Trước tình hình mưa bão phức tạp, các nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã lên phương án điều tiết nước nghiêm ngặt theo quy trình vận hành liên hồ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, hạn chế mức thấp nhất rủi ro cho vùng hạ du.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm 2018 ở Gia Lai bắt đầu sớm hơn với lượng mưa các tháng 6, 7, 8 đều cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo thời gian xuất hiện lũ lớn nhất đối với khu vực phía Tây tỉnh là tháng 9, khu vực Đông – Đông Nam là tháng 11, với đỉnh lũ đạt trên báo động 3 và cao hơn đỉnh lũ năm 2017.
Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Nguyên cho biết: Mùa mưa năm nay đến tương đối sớm so với quy luật, đặc biệt là trong tháng 7 và từ đầu tháng 8 đến nay, lượng mưa toàn khu vực vượt cao so với trung bình nhiều năm. Cao điểm tháng 7, lượng mưa phổ biến ở Gia Lai và Kon Tum vượt trên 300% so với cùng kỳ hàng năm. Do đó, hiện mực nước ở các sông, suối cao hơn quy luật, nhiều sông lớn đạt trên 1m, sông, suối nhỏ trên báo động 3. Mực nước các hồ chứa thủy điện lớn như Plei Krông, Ia Ly đạt xấp xỉ 2m, lượng nước tương đối dồi dào.
Gia Lai hiện có trên 40 công trình thủy điện lớn nhỏ với tổng công suất 2.200MW, sản lượng điện hàng năm 7 tỷ Kwh. Công ty Thủy điện Ia Ly được giao nhiệm vụ quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Tây Nguyên gồm: Thủy điện Ia Ly (công suất 720 MW), Thủy điện Sê San 3 (công suất 260 MW) và Thủy điện Pleikrông (công suất 100 MW).
Xác định mùa mưa năm nay có sự biến đổi bất thường và liên tục, với lượng nước hiện tại về hồ chứa gần 700 m3/s, để chủ động ứng phó với thiên tai, đơn vị đã triển khai đầy đủ, chặt chẽ các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”. Hiện Nhà máy Thủy điện Ia Ly đang xả nước điều tiết hồ chứa với lưu lượng 320 m3/s và đảm bảo không vượt quá cao trình 511,2 m so với mực nước biển.
Ông Đinh Viết Thiện, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly cho biết: Công ty đã chuẩn bị tất cả các hạng mục phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch ngay từ đầu năm, đến ngày 30/6 đã hoàn tất. Hiện đơn vị bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí, đặc biệt là hai hồ lớn công ty đang quản lý gồm hồ thủy điện Pleikrông và hồ thủy điện Ia Ly.
Mùa mưa năm nay, lượng nước về hồ cao hơn khá nhiều so với trung bình các năm. Do đó cách đây 3 tuần, công ty đã triển khai việc điều tiết nước qua tràn. Hiện tổng lưu lượng nước chảy xuống hạ du vào khoảng hơn 500 m3/s, đảm bảo tình huống ổn định theo đúng quy trình, ông Thiện cho biết thêm.
Công ty Phát triển Thủy điện Sê San được giao nhiệm vụ quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sê San 4 với công suất 360 MW. Hồ chứa Thủy điện Sê San 4 có diện tích lưu vực hơn 9.300 km2, dung tích ứng với mực nước dâng bình thường gần 900 triệu m3 nước, dung tích đón lũ là 37 triệu m3 nước. Bước vào mùa mưa lũ năm nay, Công ty đã định kỳ kiểm tra các hạng mục công trình, thiết bị để phát hiện và kịp thời xử lý hư hỏng phát sinh do mưa lũ. Sau mỗi trận lũ lớn, Công ty tổ chức kiểm tra hiện trạng an toàn hồ đập theo quy định, thông báo đầy đủ các hiệu lệnh vận hành xả lũ bằng còi hụ, loa phát thanh đến địa phương và nhân dân vùng hạ du.
Ông Phạm Văn Chương, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San cho biết: Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, đơn vị đã triển khai đầy đủ và đúng quy trình các phương án phòng chống lụt bão, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn cho vùng hạ du. Thực hiện các phương án đã được phê duyệt của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và theo dự báo thời tiết đang tiếp tục mưa lớn, đơn vị đã đi kiểm tra vùng hạ du, tuyên truyền, thông báo cho bà con neo đậu tàu thuyền, kiểm tra vùng đánh bắt cá để bảo đảm an toàn.
Về công trình đập, đơn vị tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, quan trọng nhất là giữ mực nước hồ để đón lũ, hiện tại mực nước đang giữ là cao trình 214,5m và lưu lượng xả qua hồ là 2.490 m3/s. Hiện vùng hạ du và bờ đập bảo đảm an toàn, ông Chương khẳng định.
Cùng với các hồ chứa thủy điện, hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn hơn 110 hồ thủy lợi, trong đó chủ yếu là các hồ thủy lợi nhỏ dung tích dưới 1 triệu m3 nước. Đây là những hồ, đập đáng lo ngại bởi chất lượng công trình đã xuống cấp và quản lý không khoa học.
Sau khi đi kiểm tra, làm việc với tỉnh Gia Lai ngày 21/8 về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ thủy lợi, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ băn khoăn khi công trình đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ được giao cho các địa phương cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp không có chuyên môn về thủy lợi quản lý.
Những công trình này đều có đập đất, được xây dựng từ lâu, điều kiện, kinh phí cũng như kỹ thuật không đảm bảo yêu cầu nên chất lượng đập không đảm bảo an toàn, ngoài ra hàng năm còn thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Tỉnh Gia Lai cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên và yêu cầu các đơn vị quản lý đáp ứng tốt về chuyên môn để đảm bảo an toàn đập mùa mưa lũ.