Một số cánh đồng ở ĐBSCL vừa thu hoạch lúa xong, cho xả lũ vào ruộng, ngư dân bắt đầu khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính tận diệt làm cạn kiệt nguồn thủy sản tự nhiên.
Theo quan sát của phóng viên Người Lao động, trên các cánh đồng mênh mông nước lũ, dớn cá được người dân đặt kín cả mặt ruộng. Mỗi cái dớn chỉ cách nhau vài mét, kéo từ đầu ruộng đến cuối ruộng theo chiều ngang. Việc đặt dớn dày đặc và mắt lưới nhỏ làm cho tất cả các loại thủy sản từ lớn đến nhỏ không còn đường “thoát thân”.
Dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, nhiều phương tiện sử dụng xung điện trái phép để đánh bắt cá còn diễn ra. Hoạt động này, không chỉ gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn trực tiếp gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Nghị định số 103 của Chính phủ về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm trong đánh bắt nguồn lợi thủy sản quy định, nếu sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn từ 15 – 40 mm đối với lưới vây, lưới kéo, lưới rê (lưới bén) đăng, đáy,… sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng và bị tịch thu ngư cụ và buộc phải khắc phục hậu quả.
Đầu mùa nước lũ, thủy sản theo con nước đổ về các cánh đồng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cá tôm bắt đầu phát triển nên việc đánh bắt thủy sản cần gắn liền với bảo vệ để các loại thủy sản có thời gian tái tạo. Do vậy, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản thiên nhiên ban tặng, hạn chế sự cạn kiệt.
Ông Lê Hoàng Nam, Trưởng Trạm thủy sản vùng số 1 tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang được địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động, đồng thời tổ chức các đợt kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong mùa nước nổi”.
Dưới đây là một số hình ảnh khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính tận diệt: