Sau thời gian dài xuất khẩu lượng lớn than đá, dầu thô và quặng khoáng sản, Việt Nam đã phải nhập lại loại hàng hoá này với số lượng lớn.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã tăng nhập khẩu dầu thô hơn 544% về lượng và 670% về giá trị. Cùng với đó, lượng nhập khẩu than đá về nước cũng tăng 49% về lượng và hơn 71% về kim ngạch.
Riêng trong 7 tháng đầu năm, sản lượng dầu thô nhập khẩu đạt 1,8 triệu tấn, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ nhập hơn 280.000 tấn. Kim ngạch nhập dầu thô đạt 890 triệu USD (tương đương với hơn 11,3 triệu đồng/tấn).
Với than đá, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước nhập về hơn 11,9 triệu tấn với kim ngạch gần 1,4 tỉ USD, tăng 49% về lượng và 71,6% về kim ngạch. Theo đó, mức giá bình quân của than nhập vào Việt Nam đạt 2,6 triệu đồng/tấn, trong đó than nhập từ Indonesia là 1,6 triệu đồng/tấn nhưng than nhập từ Trung Quốc đang có giá 8,2 triệu đồng/tấn (cao hơn 6,6 lần so với nhập từ thị trường Indonesia).
Về thị trường, Việt Nam nhập khẩu than từ các thị trường như Nga, Trung Quốc, Indonesia, trong đó Indonesia là nước cung cấp than nhiều nhất với giá rẻ nhất cho Việt Nam. Trung Quốc là nhà đầu tư nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam, than mua từ thị trường này cũng đang có giá cao nhất so với các thị trường khác.
Hiện nay, ngoài các đơn vị như Tập đoàn Than – khoáng sản, Tập đoàn Điện lực được nhập khẩu than, còn có nhiều doanh nghiệp FDI được Chính phủ cấp quyền nhập khẩu than phục vụ các nhà máy phát điện của mình, trong đó có Formosa, các khu chế xuất, nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT.
Ngoài việc tăng nhập các mặt hàng than và dầu thô, hiện Việt Nam cũng tăng nhập các loại quặng và khoáng sản về nước. Tính đến hết tháng 7, cả nước nhập hơn 7,9 triệu tấn quặng, tăng 90% so với cùng kỳ, kim ngạch hơn 662 triệu USD, giá quặng tăng 91% so với năm trước.