Mới đây, ngày 15.8, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Đọc – cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện sai phạm về quản lý đất đai, tồn tại trái phép hàng loạt cảng than tư nhân tại Km6 (phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả).
Hàng loạt cảng than ở đây đã tồn tại từ cả chục năm nay và hoạt động chế biến, tiêu thụ than (phần lớn là không nguồn gốc) vẫn diễn ra tấp nập cho thấy chính quyền TP.Cẩm Phả và cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý…
“Lãnh địa” cảng than trái phép
Hé lộ những góc khuất về “lãnh địa” kinh doanh than cả trái phép và chính ngạch có tiếng ở vùng “rốn” than Cẩm Phả khi đoàn kiểm tra của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh “mục sở thị” cứ địa này. Qua kiểm tra tại khu 9 và cụm cảng Km6, nhiều vị trí có hiện tượng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép.
Đặc biệt, tại khu vực cụm cảng Km 6, đoàn công tác phát hiện một số doanh nghiệp tư nhân có sai phạm trong sử dụng sai quy hoạch cảng bến được cấp phép; chưa được giao đất nhưng đã xuất hiện hoạt động đầu tư, khai thác; dự án đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết xây dựng, song hiện trạng cho thấy, đang hoạt động tập kết, chế biến, tiêu thụ than…
Chỉ kiểm tra sơ bộ, một số dự án đã bị biến tướng, làm trái quy định, điển hình như: Dự án cảng hàng hóa tổng hợp của Cty Tư vấn thiết kế và xây dựng Quảng Bình và Cty TNHH MTV kinh doanh và thương mại Đạt Thành Công. Theo lãnh đạo TP.Cẩm Phả, dù những dự án này đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết xây dựng, nhưng hiện trạng cho thấy, đã có hoạt động đầu tư.
Hơn nữa, đây là quy hoạch cảng hàng hóa, nhưng hiện trạng cho thấy đang hoạt động tập kết, chế biến, tiêu thụ than, gây ô nhiễm môi trường, gây ngập úng đô thị mỗi khi có mưa bão.
Điều đáng bận tâm, trong số hơn 6 cảng than trá hình, phần lớn là cảng do những ông “trùm” có tiếng về làm than ở đất Cẩm Phả điều hành trong thời gian dài hơn 10 năm trời, nhưng không hề bị chính quyền địa phương và các ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh dẹp bỏ, trong khi phần lớn nguồn than đưa về các cảng bến ở đây xuất phát từ hoạt động than trái phép, trộm cắp từ các mỏ của ngành than nhằm hợp thức hóa đem đi tiêu thụ.
Sai phạm kéo dài, chính quyền buông lỏng
Đối với người dân địa phương, họ không hề xa lạ gì khi gọi đây là “thiên đường than lậu”. Bởi ở đó, từ lâu đã tồn tại hàng loạt các bến cảng, bãi tập kết than, xít (than chất lượng thấp dùng để pha trộn) như để “phù phép” thành những tấn than chính ngạch.
Nhưng một điều chắc chắn, những ông chủ của bến cảng này đều được cấp những loại giấy tờ, hay còn gọi là những “lá bùa” theo kiểu: Thu mua chế biến, tận thu đất đá xít mỏ, than mót lại từ người dân…, nhằm hợp thức hóa nguồn than trôi nổi và trộm cắp từ các mỏ lân cận.
Ngoài những bến cảng được cấp phép phục vụ hoạt động chế biến, tiêu thụ của TKV và Tổng Cty Đông Bắc thuê lại, còn lại hầu hết là các bến bãi trái phép, sử dụng sai mục đích và tham gia vào việc chế biến, kinh doanh than… Nhiều mặt bằng kho chứa than còn được xây dựng nhà công vụ, hàng rào, lắp đặt hệ thống sàng tuyển, chế biến than một cách kiên cố.
Theo UBND TP.Cẩm Phả, các bến cảng, bãi tập kết kể trên được hình thành hơn 10 năm nay, ban đầu do các cá nhân san lấp biển làm nơi chế biến than, xít để bán đi các nơi. Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Văn Bốn – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP. Cẩm Phả – cho rằng, không chỉ gây ô nhiễm, hoạt động tập kết than trái phép của các cảng, bến bãi kể trên cũng là mối nguy cho việc xuất bán tài nguyên trái phép mà lâu nay khiến chính quyền địa phương rất khó xử lý.
Từ vài năm trước, các đơn vị thuộc Bộ Công an và Cảnh sát biển Việt Nam lập chuyên án, bắt giữ nhiều tàu than trái phép có nguồn gốc than từ các cảng bến thuộc Km6… Tuy vậy, ngoại trừ dàn lãnh đạo Cty Cổ phần đầu tư và phát triển 324 vướng vào lao lý, còn những ông chủ cảng than lân cận dường như đã thoát hiểm một cách ngoạn mục, để lại dấu hỏi về việc ai, thế lực nào đứng sau bao che cho họ trong suốt từng ấy năm?
Trở lại câu chuyện các cảng bến “mọc” trái phép, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chỉ ra sai phạm xuất phát từ việc cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thời gian qua đã buông lỏng công tác quản lý các dự án về đất đai, không thường xuyên kiểm tra các khu vực quy hoạch dự án, cũng như không kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan.
Cụ thể ở đây là, tình trạng sử dụng cảng, bến, đất rừng, đất lâm nghiệp không phép, trái phép; nhiều đơn vị tập kết than tại các cảng bến hàng hóa; sử dụng đất vượt diện tích, ranh giới được giao đất, sai quy hoạch, thiếu các thủ tục pháp lý về đất đai, môi trường, nghĩa vụ tài chính…
Trả lời Báo Lao Động, ông Nguyễn Hồng Dương – Chủ tịch TP.Cẩm Phả – khẳng định: “Địa phương sẽ quyết liệt giải tỏa toàn bộ lượng than, phụ phẩm ngoài than, chấm dứt các hoạt động tập kết chế biến than ở các cảng bến “chui”; tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép bao gồm nhà cửa, hệ thống sàng tuyển chế biến than; xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quản lý tài nguyên khoáng sản theo chỉ đạo của tỉnh.
Dù vậy, dư luận vẫn chờ tỉnh Quảng Ninh mạnh tay đến cùng về trách nhiệm đối với những cán bộ địa phương khi buông lỏng địa bàn, khiến những cảng than “chui” tồn tại trong nhiều năm qua….