Không chỉ lấn chiếm hành lang đê, tàn phá mặt đê, trạm trộn bê tông của công ty Xuân Chuyền còn xả thải trực tiếp xuống nguồn nước cung cấp cho hàng nghìn hộ dân thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân.
Vô tư đầu độc sông Hồng
Từ nhiều năm nay, trạm trộn bê tông của Công TNHH Xuân Chuyền (huyện Kiến Xương) ngang nhiên mọc lên phía ngoài đê tả sông Hồng Hà II (đoạn qua xã Minh Tân). Không chỉ lấn chiếm hành lang đê, cản dòng chảy mà trạm bê tông này hàng ngày cứ vô tư xả thải trực tiếp các chất hóa học, phụ gia bê tông xuống dòng sông Hồng.
Theo quan sát của PV, một diện tích lớn bãi ngoài đê sông Hồng thuộc địa phận thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân hiện đang tập kết khá nhiều vật liệu xây dựng: Gạch, cát, đá, sỏi,…chất cao như núi. Đặc biệt, tại đây 1 trạm trộn bê tông công suất lớn đang hoạt động rầm rầm. Bên cạnh trạm trộn, một hố đất nông được đào và nước thải trạm trộn này xả thẳng vào đó rồi đổ ra sông Hồng. Phía trên đê, những chiếc xe bồn chở bê tông tươi ra vào hối hả. Mặt đê bị những chiếc xe trọng tải lớn này cày xới, băm vằm.
Bà Phan Thị Nữ, Bí thư chi bộ thôn Nguyệt Giám cho biết: “Từ ngày Trạm trộn bê tông mọc lên, đời sống người dân quanh khu này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhân dân rất bức xúc. Khí thải, chất thải gây ô nhiễm không khí, môi trường, bụi bay vào nhà dân. Nguy hiểm nhất là từ chỗ rửa trạm trộn đến chỗ nguồn nước lấy vào nhà máy nước Nam Long chỉ khoảng một trăm mét, gây ô nhiễm nguồn nước. Không cuộc họp nào dân không kiến nghị lên xã”.
Được biết, ngày 15/6/2018, UBND xã Minh Tân đã có báo cáo số15/BC-UBND gửi UBND huyện Kiến Xương về vấn đề ô nhiễm môi trường của Trạm trộn bê tông này. Nội dung đáng chú ý là ngày 25/5/2018, phát hiện Công ty Xuân Chuyền đào hố xả thải cạnh bãi sông Hồng, UBND xã kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng việc xả thải bừa bãi và phải có biện pháp khắc phục cụ thể nhưng doanh nghiệp không thực hiện.
Ông Phan Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết “Công ty không hề có bể lắng hay bất kỳ biện pháp xử lý chất thải nào, họ vô tư xả thải trực tiếp xuống sông Hồng. Người dân đã phản ánh rất nhiều lần, chúng tôi cũng kiến nghị lên các cấp nhiều lần rồi. Chúng tôi đã mời doanh nghiệp lên làm việc, họ tiếp thu ý kiến, nhận lỗi và xin rút kinh nghiệm”.
Cũng theo báo cáo của xã, hoạt động sản xuất bê tông diễn ra tấp nập thường đến nửa đêm gây ra khói bụi ô nhiễm môi trường. Đỉnh điểm là đêm 13/6/2018, trong quá trình sản xuất xảy ra sự cố tràn xi măng bột gây ra một lượng khói bụi rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân quanh vùng.
Ông Vũ Đức Thắng, Phó Giám đốc Nhà máy nước Nam Long cho biết: “Cty đã nghe ý kiến người dân phản ánh và lấy mẫu nước đi xét nghiệm, kết quả không có vấn đề gì. Cũng có thể thời điểm Cty bố trí lực lượng lấy mẫu, người ta nắm được lịch trình nên không xả thải. Ba lần lấy mẫu đều không trùng khớp với thời điểm xã thải. Nếu như Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường bên Công ty rất lên án, vì như vậy là đẩy khách hàng sử dụng nước của Nhà máy đến chỗ rủi ro về sức khỏe”.
Vi phạm và phớt lờ xử phạt
Ngày 14/6/2018, chính quyền địa phương nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty Xuân Chuyền tiếp tục xả thải. Lãnh đạo xã đã kiểm tra thực tế và yêu cầu Giám đốc Công ty khắc phục hậu quả, đảm bảo môi trường cho nhân dân trong xã. Tuy nhiên, trên thực tế Công ty này vẫn ngang nhiên xả thải bất chấp dư luận. Thậm chí còn đổ chất thải không qua xử lý chất đống thành bãi ngoài trời gần khu vực khai thác nước khiến người dân lo lắng nguồn nước sinh hoạt lấy từ sông Hồng bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Thanh Chuyền, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Chuyền khẳng định: “Trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thì không có vì đã có việc đâu mà ảnh hưởng đến dân. Cũng có một lần khi bơm xi măng vào silo bị đầy quá, người bơm không để ý tràn ra ngoài ở trên cao, gió thổi vào. Cái quan trọng nhất là mình làm thì chắc chắn phải sai nhưng mà để ảnh hưởng đến môi trường và người dân thì mình phải cố gắng khắc phục hết tầm”.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, trạm trộn bê tông của Cty TNHH Xuân Chuyền còn lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, cản trở dòng chảy thoát lũ sông Hồng.
Ngày 28/12/2017, Cty này đã bị Chi cục Thủy lợi Thái Bình ra quyết định xử phạt 160 triệu đồng về vi phạm Luật Đê điều tại đê tả Hồng Hà II thuộc địa giới hành chính xã Minh Tân, huyện Kiến Xương và buộc đơn vị này phải khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, sau đó, Chi cục Thủy lợi Thái Bình ra nhiều văn bản yêu cầu Cty này nộp phạt nhưng Cty vẫn phớt lờ, không chịu nộp phạt. Lý do chây ì được ông Chuyền đưa ra là… chưa có kinh phí vì Cty ông vẫn còn phải nợ ngân hàng 25 tỷ đồng.
Việc 1 trạm trộn bê tông tồn tại từ nhiều năm nay, lấn chiếm hành lang đê, uy hiếp sức khỏe hàng nghìn hộ dân gây nhiều bức xúc. Người dân không hiểu tại sao một Công ty xây dựng vi phạm trầm trọng như vậy mà vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức người dân và chính quyền?