Hội thảo “Vận động chính sách cấp tỉnh về lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội” vừa được tổ chức tại Quảng Ngãi vào sáng 16-8.
Hội thảo do Chi cục Thủy lợi, Ban chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Ngãi phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ tổ chức, thuộc dự án “Tăng cường khả năng phòng chống thiên tại tại miền Trung Việt Nam” do USAID tài trợ.
Trong 10 năm (từ năm 2007-2017) đã có 99 cơn bão, 47 áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông, 50 đợt mưa lũ cùng với nhiều đợt dông, lốc, sét và hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thiên tai đã làm cho 194 người chết, hơn 3.300 nhà bị sập đổ, hơn 63.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về kinh tế hơn 9,5 tỷ đồng.
Ông Võ Quốc Hùng – Chánh VP thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Ngãi, nói: “Qua khảo sát địa phương thì trong thời gian qua, việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm tuy đề cập đến tình hình thiên tai nhưng nội dung phòng chống thiên tai chưa được đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH”.
Dự án Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại Miền Trung Việt Nam, giai đoạn 2, do Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ tài trợ từ nguồn của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã tiến hành thử nghiệm việc lồng ghép nội dung này trong năm 2018 tại 3 xã (Nghĩa Hiệp, Đức Hòa, Đức Phong) và 2 phường (Nghĩa Lộ, Chánh Lộ) bước đầu đạt kết quả.
Ông Trần Đức Mạnh, cán bộ Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, giới thiệu thí điểm mô hình lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tại Quảng Ngãi có 9 xã đã thí điểm mô hình này, theo đó có 2 phương pháp, lồng ghép quy trình lập kế hoạch KT-XH và lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai dự kiến năm 2019.
Tại Hội thảo, đại diện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thông qua thông tư Hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành KT-XH của Bộ Kế hoạch và đầu tư nhưng theo các sở, ngành thì việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN-PTNT và các cơ quan/đơn vị nhưng chưa có sự quyết liệt trong thực hiện nên các địa phương chưa có nguồn vốn để thực hiện đầy đủ các nội dung này.
Cụ thể, tại xã Đức Phong (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) là vùng hạ lưu, dòng sông Thoa chảy qua với chiều dài 2.780m, đường bờ biển dài 4.520m, thường xuyên chịu ảnh hưởng triều cường dâng cao, gây ngập úng những vùng trũng thấp của xã. Mặc dù có những nỏ lực như đầu tư hệ thống bơm tiêu úng, khoang vùng chống ngập lụt. Tuy nhiên, Đức Phong gặp nhiều khó khăn trong phân tích đánh giá các nhóm cư trú dễ bị tổn thương như ven biển, vùng trũng, vùng bị cô lập, phân theo nghề nghiệp,…và về nguồn vốn cho các công tác phòng, chống thiên tai được lồng ghép, cân đối nguồn ngân sách, phương tiện còn thiếu, hạn chế với tình hình thiên tai xảy ra cường độ lớn dần.
Tại xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) là vùng chịu nhiều tác động thiên tai, trong năm 2017, mưa lớn đã làm 700m đường giao thông, 1.300m kênh mương bị sạt lở, 114ha hoa màu thiệt hại nặng, thiệt hại về người và nhà cửa.
Để ứng phó thiên tai, vừa phát triển kinh tế, các địa phương có nhiều giải pháp tích cực. Trong công tác khuyến nông, xã Nghĩa Thương đã chọn việc nhân giống, chọn giống phù hợp cơ cấu từng mùa, tránh tình trạng cây trồng bị ngã đổ, ngập úng cho thiên tai. Trước và sau thiên tai chủ động hướng dẫn các cơ sở kinh doanh đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho người dân trước, trong và sau thiên tai…
Ông Võ Đình Chí- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương, kiến nghị việc gia cố bờ lở Tân An để chống xói lở hạ lưu sông Bến Lở, thôn Vạn An 1, chỉnh dòng chảy sông Bàu Giang, đoạn qua thôn Điện An 4 ảnh hưởng đến sản xuất và hộ dân sinh sống, tiến hành khảo sát về nhu cầu nhà cộng đồng phòng chống thiên tai ở các điểm xung yếu.