Không chỉ xuất hiện khi mỗi mùa mưa bão, nỗi lo hiểm họa vỡ đập thủy điện hiện đang canh cánh trong cuộc sống thường ngày của người dân tỉnh Quảng Nam.
“Làm thủy điện cần phải tính đến phương án xấu nhất như động đất, vỡ đập để xây dựng kế hoạch ứng phó với thảm nạn một cách nhanh nhất. Nếu không tính đến phương án xấu nhất, thì việc ứng phó sẽ bị động và lúng túng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đặt ra yêu cầu an toàn hồ đập tại cuộc làm việc với cơ quan chức năng mới đây.
Động đất bất thường
“Bà con mình sống nghìn đời nay ở vùng núi Trà My có bao giờ thấy núi rừng rung chuyển như rứa. Nhưng kể từ ngày cái hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tích nước thì rừng núi rung chuyển khiến bà con mình lo lắng mất ăn mất ngủ”, ông Hồ Văn Lợi nhà ở xã Trà Đốc, nằm sát hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 kể trong nổi lo lắng.
Không chỉ ông Lợi, mà hàng chục nghìn người dân tại các xã của 2 huyện Nam và Bắc Trà My đều mất ăn mất ngủ gần 6 năm nay khi động đất liên tiếp xảy ra. Đến thời điểm này, động đất xảy ra liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Theo thống kê số liệu thu thập từ quan trắc động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 của Viện Vật lý địa cầu, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nửa đầu 2018, mạng trạm địa chấn ở khu vực huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) ghi nhận tổng cộng 69 trận động đất từ 2,5 đến 3,9 độ Richter.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu khẳng định: quá trình tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy, động đất ở đây diễn ra với tần suất khá cao và chưa có dấu hiệu suy giảm. Động đất đối với thủy điện Sông Tranh không theo đúng qui luật. Ngoài “mối nguy” trên, Quảng Nam có hàng chục hồ chứa nước thủy điện đang hoạt động.
Cần phương án ứng phó
Theo ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam các chủ đầu tư hồ chứa thủy điện trình phương án phòng chống lũ lụt, nhưng chưa có chủ đầu tư nào xây dựng phương án cho tình huống xấu nhất là vỡ đập để xây dựng kế hoạch ứng phó. Nếu không đặt ra tình huống xấu này thì việc ứng phó với thảm nạn là khó khăn.
Còn ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: quy trình vận hành liên hồ chứa bộc lộ nhiều bất cập khi triển khai trên lưu vực hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được điều chỉnh. Từ đó, ông Đức đề nghị rà soát thủy điện nhỏ, cái nào chủ đầu tư không đủ điều kiện làm thì cho dừng hẳn, không nên kêu gọi nhà đầu tư khác thay thế và mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch. “Đề nghị tỉnh đặc biệt lưu ý với 2 thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang) và Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước) đang tích nước.