Do người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin nên sản phẩm hữu cơ hiện vẫn đang gặp khó khăn. Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, thị trường thực phẩm hữu cơ chậm phát triển vì khó truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu quy trình sản xuất, thiếu tiêu chuẩn sản xuất. Người tiêu dùng không kiểm soát được các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… sản phẩm sạch, hữu cơ. Vậy làm thế nào để cung và cầu có thể gặp nhau?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, thị trường thực phẩm hữu cơ chậm phát triển vì khó truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu quy trình sản xuất, thiếu tiêu chuẩn sản xuất. Người tiêu dùng không kiểm soát được các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… sản phẩm sạch, hữu cơ. Trong khi đó, dư luận cho rằng nhà bán lẻ – đơn vị trung gian vừa “ăn chặn” nhà sản xuất vừa “móc túi” người tiêu dùng.
Mua sản phẩm bằng niềm tin
Thời gian gần đây, hệ thống phân phối, cửa hàng thực phẩm hữu cơ (TPHC) khá phát triển. Ngoài những hệ thống phân phối quy mô lớn, các cửa hàng TPHC cũng đua nhau chen chân trên thị trường. Với bản hiệu ghi rõ dòng chữ thực phẩm organic, phân phối thực phẩm organica, sản phẩm 100% hữu cơ, sản phẩm sạch,… đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng.
Tại thị trường TP HCM, đa phần rau hữu cơ đắt hơn rau thường từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, thực phẩm tươi sống cũng neo ở mức giá cao hơn sản phẩm bình thường từ 100.000 – 150.000 đồng/kg.
Chủ cửa hàng thực phẩm hữu cơ trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình) chỉ vào những bịch rau xanh ghi xuất xứ Lâm Đồng cho hay: “Cửa hàng tôi liên kết trực tiếp với những trang trại rau xanh hữu cơ ở Đơn Dương, Lâm Đồng cho nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm. Giá rau hữu cơ cao hơn rau bình thường, song bù lại người tiêu dùng mua được sự an toàn”.
Ủng hộ thực phẩm sạch, giá cao trên thị trường nhưng người tiêu dùng chưa thật sự an tâm. Bà Hoàng Diệu Thu (quận 3) chia sẻ: “Tôi đang mua thực phẩm sạch, TPHC bằng niềm tin, bằng cách sàng lọc và lựa chọn những địa chỉ uy tín nhất thông qua hình thức truyền miệng từ mọi người”.
Sợ rau xanh chứa nhiều thuốc bảo vệ thực phẩm, thực phẩm tươi sống tồn dư kháng sinh ở liều cao, người tiêu dùng loay hoay tìm thực phẩm sạch, TPHC. Tuy nhiên, chất lượng TPHC trên thị trường hiện chưa rõ ràng về chất lượng, thậm chí rất nhiều trường hợp gắn mác TPHC.
Ông Bùi Sơn Công- Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, TPHC là xu thế tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin nên sản phẩm hữu cơ đang gặp khó khăn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, thị trường TPHC chậm phát triển vì khó truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu quy trình sản xuất, thiếu tiêu chuẩn sản xuất. Người tiêu dùng không kiểm soát được các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… sản phẩm sạch, hữu cơ.
Về phía nhà bán lẻ, dư luận cho rằng nhà bán lẻ – đơn vị trung gian vừa “ăn chặn” nhà sản xuất vừa “móc túi” người tiêu dùng. Ngoài ra, các nhà bán lẻ gặp khó khăn do nguồn cung thực phẩm hữu cơ thiếu ổn định vì không có nhiều doanh nghiệp sản xuất bài bản, hoặc vắng bóng những cơ sở có lực lượng hùng hậu để cung cấp số lượng ổn định trong thời gian dài.
Khoảng trống thị trường
Từ năm 2007 đến năm 2016, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120 ha lên 76.666 ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Với diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ tăng như vậy và nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, nông sản hữu cơ của người tiêu dùng ngày càng lớn. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ thị trường bán lẻ nông sản sạch, nông sản hữu cơ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lượng tiêu thụ nông sản, cũng như thực phẩm hàng ngày của người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo ước tính của Nielsen, tổng giá trị thị trường hữu cơ tại 2 thành phố lớn TP HCM và Hà Nội ước đạt 400 tỷ đồng/năm. Nhìn nhận thực tế trên, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, Việt Nam sản xuất được sản phẩm hữu cơ, nhưng vấn đề kết nối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng còn khá gian nan. Đây chính là lý do tại sao liên kết tiêu dùng của TPHC trong thời gian qua chưa thành công.
“Rõ ràng, kết nối sản xuất – tiêu dùng là vấn đề sống còn thúc đẩy thị trường TPHC phát triển. Sự tham gia của các nhà bán lẻ là động lực để nhà sản xuất đầu tư, đưa sản phẩm hữu cơ về giá trị thật và phổ biến hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm cần có sự phối hợp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng”- bà Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh.
Thúc đẩy thị trường nông sản đòi hỏi, một mặt cần sự liên kết giữa các nhà, mặt khác đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chuẩn chung về chất lượng giúp người tiêu dùng dễ lựa chọn sản phẩm tốt. Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm, áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật hay tiêu chuẩn châu Âu để xây dựng tiêu chuẩn cho Việt Nam để từng bước hướng đến xuất khẩu sang thị trường các nước thuận lợi hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam chưa xây dựng quy chuẩn chứng nhận sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp đang lấy tiêu chuẩn từ một số nước. Sắp tới đây, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng một giá trị chất lượng chuẩn cho sản phẩm hữu cơ tạo điều kiện nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam phát triển đúng hướng, tạo niềm tin cho người sản xuất, doanh nghiệp và đặc biệt là người tiêu dùng.