Không chỉ người dân ở xã Bài Sơn bị ảnh hưởng do hoạt động của nhà máy xi măng, một số hộ dân ở xóm 4, xã Minh Thành, huyện Yên Thành (nhà máy giáp ranh với xã Minh Thành) cũng chịu chung số phận.
Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam của Công ty CP Xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai) tại xã Bài Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/ngày. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2016. Tuy nhiên, trong ĐTM này, nhiều hộ dân nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng đã không được tính đến.
Có mặt tại xóm Đô Sơn (xã Bài Sơn), chúng tôi thấy nhiều hộ dân ở sát hàng rào Nhà máy xi măng Sông Lam có nền nhà ở thấp hơn cốt nền nhà máy, một số điểm đất đá tập kết trong khu vực nhà máy cao hơn nóc nhà dân. Nhà chị Hoàng Thị Sáu chỉ cách hàng rào nhà máy vài chục bước chân. Nền nhà máy được đắp cao khiến đất đá tưởng chừng muốn ập vào vườn nhà chị Sáu bất cứ lúc nào. Khi nhà máy hoạt động, bụi bặm, tiếng máy nghiền đá, xe tải đổ vật liệu gây tiếng ồn “tra tấn” những hộ dân ở gần. Tuy nhiên, điều đó chưa đáng sợ bằng mỗi khi trời mưa, nước bẩn tuôn tràn vào vườn nhà, ngấm xuống giếng nước, khiến nhiều tháng qua, các hộ dân nơi đây phải gồng gánh đi xin nước sạch ở nơi khác.
Nhà ông Nguyễn Văn Hiệp, Xóm trưởng xóm Đô Sơn, ở ngay đầu đường vào nhà máy nên vừa phải hứng bụi, vừa “lĩnh trọn” lượng nước thải dồn ứ mỗi khi trời mưa. Ông Hiệp cho biết: “Vừa rồi ngành môi trường về quan trắc nước, bụi, tiếng ồn và thông báo kết quả đều trong giới hạn cho phép. Kết quả quan trắc của tỉnh cái gì cũng bình thường, nhưng cuộc sống của dân ở đây thực sự bị đảo lộn, không giống như ngày xưa”.
Không chỉ người dân ở xã Bài Sơn bị ảnh hưởng do hoạt động của nhà máy xi măng, một số hộ dân ở xóm 4, xã Minh Thành, huyện Yên Thành (nhà máy giáp ranh với xã Minh Thành) cũng chịu chung số phận. Tại xóm Thái Sơn (xã Bài Sơn), nơi cách mỏ đá nguyên liệu của vài trăm mét, cuộc sống của hơn 50 hộ dân phải chịu các đợt rung lắc mỗi khi nhà máy nổ mìn khai thác đá; nhiều dầm trụ, tường nhà, mái… bị nứt, đá văng vào nhà dân. Một cán bộ xã Bài Sơn cho biết, hiện nay cốt nền của nhà máy xi măng đã cao hơn vườn nhà dân, nên đến mùa mưa, nhiều giếng khơi của nhà dân bị ô nhiễm nặng; hơn 1ha lúa bị bùn chảy xuống, ảnh hưởng đến sản xuất, hiện có 20 hộ cần phải tiếp tục di dời (trước đó, xã Bài Sơn đã di chuyển hơn 30 hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng).
Ngày 3-4-2018, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An đã gửi Công văn 1629 (kèm theo danh sách các hộ dân và thửa đất nằm trong vùng ảnh hưởng do huyện Đô Lương báo cáo) xin ý kiến của Bộ TN-MT để di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi Nhà máy xi măng Sông Lam, nhưng do Bộ TN-MT chưa có ý kiến phản hồi, nên ngày 23-5, sở này tiếp tục gửi Công văn 2758 đến Bộ TN-MT xin ý kiến chỉ đạo đối với khoảng cách và số hộ dân cần thiết phải di dời do tác động môi trường của nhà máy. Ông Thái Văn Nông, Phó Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An, cho biết để giải quyết vấn đề của người dân sống gần nhà máy, hiện đang phụ thuộc vào chỉ đạo của Bộ TN-MT. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy Bộ TN-MT hồi đáp.