Vật liệu tự nhiên theo luật có thể được cho phép nhận chìm nhưng gắn liền với điều kiện cụ thể để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển
Trong bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) do ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), ký theo Quyết định số 3321 có nội dung “cho phép đổ 2,5 triệu m3 đất, cát thải nạo vét cảng than ra biển Hòn La nhằm phục vụ dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1” khiến dư luận lo lắng.
Chỉ mới trên… giấy
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 14-8, ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ TN-MT, cho biết ĐTM nói trên là báo cáo chung của toàn bộ dự án, bao gồm nhiều hạng mục, trong đó có nội dung cho phép nhận chìm chất nạo vét. Nhưng như thế không có nghĩa là chủ đầu tư được phép nhận chìm 2,3 triệu m3 đất, cát thải xuống vùng biển đề xuất.
Muốn được nhận chìm, doanh nghiệp (DN) cần có 2 giấy phép khác, đó là giấy phép được nhận chìm và giấy giao khu vực biển. Trong đó, giấy giao khu vực biển là do Bộ TN-MT cấp phép; còn giấy phép được nhận chìm vật chất thì Bộ TN-MT cấp hoặc địa phương cấp, tùy vào vị trí nhận chìm.
“Hiện Bộ TN-MT chưa nhận được hồ sơ xin phép nhận chìm nên chưa xác nhận được khu vực nhận chìm nằm trong khu vực thuộc thẩm quyền của bộ hay của UBND tỉnh Quảng Bình. Nếu nằm trong 6 hải lý tính từ bờ thì thuộc UBND tỉnh thẩm định hồ sơ và cấp phép, nếu nằm ngoài 6 hải lý thì bộ cấp phép. Còn về việc giao khu vực biển, nếu vị trí nhận chìm nằm khoảng từ 3-6 hải lý tính từ bờ thì phải xin giấy cấp phép của bộ” – ông Sơn cho biết.
Như thế, theo ông Sơn, nếu khu vực nhận chìm thuộc thẩm quyền của địa phương cấp phép thì vẫn phải xin phép Bộ TN-MT cấp giấy giao khu vực biển. “Bộ chưa hề cho phép nhận chìm ở khu vực đó” – ông Sơn tái khẳng định.
Cùng ngày, ông Trần Phong, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, nói việc nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải đã được hội đồng họp và thông qua; quyết định báo cáo ĐTM cũng đã được Bộ TN-MT ký duyệt, còn quyết định cấp phép cho triển khai nhận chìm chất thải thì chưa có vì nó có nhiều phương án.
Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình cũng có công văn chấp thuận việc nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải nhưng vị trí quy hoạch nhận chìm thì đơn vị được giao thực hiện là Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 2 phải làm việc với Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Bình nhưng phải bảo đảm không nằm trong phạm vi 3 hải lý vì khu vực này chủ yếu là rạn san hô và khu vực phát triển hệ sinh thái ven biển.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành Công văn số 1664 thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân thống nhất giới thiệu vị trí nhận chìm đất, cát thải nạo vét phục vụ xây dựng cảng nhập than Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Vùng biển được giới thiệu nhận chìm giới hạn trong vòng bán kính 1 hải lý, tâm đường tròn cách phao số 0 Hòn La 4 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía Tây, cách Mũi Độc 5 hải lý về phía Tây Bắc, cách đảo Hòn Gió 5 hải lý về phía Đông Nam, diện tích 10 km, độ sâu tự nhiên trung bình 22-25 m.
Không nên so sánh với Vĩnh Tân
Trước thông tin dư luận lo ngại việc nhận chìm lượng chất thải trên xuống biển sẽ gây ô nhiễm môi trường, ông Phong khẳng định đây là việc bình thường và được pháp luật cho phép.
Ông Phong cho rằng dư luận không nên so sánh giữa vùng biển được giới thiệu nhận chìm ở Hòn La và dự án Vĩnh Tân (Bình Thuận) từng gây xôn xao dư luận. “Vĩnh Tân là khu bảo tồn đa dạng sinh học về biển khá nhạy cảm nhưng ở Hòn La thì đơn vị khảo sát, tư vấn phải chọn vị trí không có bãi san hô, không có thảm thực vật và độ sâu bảo đảm không ảnh hưởng đến luồng lạch chạy tàu. Thực tế, các nước trên thế giới cũng làm vì thực chất lấy cái này đắp cái kia, không đổ lên cạn thì đổ ra biển chứ đổ đi đâu được” – ông Phong lý giải.
Theo ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, việc nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải vẫn chưa được quyết định do dự án còn chưa khởi công, tất cả chỉ là dự kiến.
“Khi chọn vị trí đổ bùn thải thì phải thuê chuyên gia, nhà khoa học điều tra, khảo sát, lặn xuống xem đáy biển có gì, chỉ có bùn, cát không mới được đổ. Kết quả sẽ được công khai, minh bạch cho người dân” – ông Lương khẳng định.
Có ảnh hưởng đến an toàn hàng hải?
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, cho biết khu vực được giới thiệu quy hoạch nhận chìm 2,5 triệu m3 chất thải không ảnh hưởng đến tuyến vận tải ven biển cũng như tuyến vận tải hàng hải. “Khi cấp phép nhận chìm thì chúng tôi đề nghị rà soát mặt đáy biển 10 m để xem ở khu vực đó có san hô, khu dự trữ sinh quyển hay khu cư ngụ cho cá sinh sản… hay không. Từ đó cơ quan chuyên môn xem xét để có nên giới thiệu quy hoạch hay không chứ không phải muốn nhận chìm ở đâu cũng được” – ông Tùng nói. |