“Đàn voi nhà Đắk Lắk sau nhiều năm bị khai thác du lịch từ nay sẽ được cởi bỏ “xiềng xích” để sống trong tự nhiên. Du khách bây giờ đến Đắk Lắk không còn cưỡi voi, mà vào rừng, cầm điện thoại bấm “tách, tách” chụp ảnh lưu niệm hoặc xem đàn voi nhà sinh hoạt” – ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yók Đôn, khoe với chúng tôi ngay khi Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) vừa cam kết hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi với Vườn Quốc gia Yók Đôn.
Đến Tây Nguyên không chỉ có cưỡi voi
Thật ra, chuyện làm du lịch sinh thái hướng du khách hòa vào thiên nhiên, qua đó cảm nhận được một Tây Nguyên kỳ vĩ không chỉ qua lời ông Linh mà đã được ngành du lịch Đắk Lắk đặt ra từ lâu nhưng khó thành hiện thực, bởi sự thiếu đồng bộ, kết nối giữa các điểm, tuyến du lịch. Ở Đắk Lắk, mỗi điểm du lịch muốn thu hút khách bao năm qua chỉ gần như khai thác những cá thể voi nhà để tạo điểm nhấn. Voi bị bắt làm du lịch, không có không gian “yêu đương” nên câu hỏi dư luận đặt ra vẫn chưa có câu trả lời là mai này, nếu không còn những cá thể voi nhà, thương hiệu du lịch Đắk Lắk liệu có bị đánh mất đi?
“Các chuyên gia ban đầu đồng ý thí điểm với 3 cá thể voi trong VQG Yók Đôn. Nếu thành công, trong tương lai, mong muốn của tôi và nhiều người là chấm dứt việc khai thác sức voi làm du lịch, từ đó hướng tới mô hình du lịch bền vững” – ông Linh giải thích.
Sau nhiều năm theo dõi công tác bảo tồn, phát triển voi Tây Nguyên, giữa tháng 7 vừa qua, Animals Asia và VQG Yók Đôn đã quyết định ký cam kết chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi thông thường sang mô hình du lịch để du khách đến tìm hiểu vẻ đẹp, hành vi tự nhiên của voi, giảm tối đa các hoạt động tương tác chạm, tiếp xúc trực tiếp với voi.
Để được Animals Asia đồng ý chi 65.000 USD trong thời gian 5 năm, VQG Yók Đôn cam kết không xích chân nuôi nhốt voi mà cho voi được trở về sinh sống trong tự nhiên. Hai bên cùng thống nhất không sử dụng voi trong các hoạt động lễ hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên. Từ năm 2018 – 2023, Animals Asia còn cử cán bộ, chuyên gia hỗ trợ VQG Yók Đôn xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình du lịch thân thiện với voi, quảng bá mô hình du lịch mới đến cộng đồng quốc tế.
Animals Asia cũng tài trợ cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk để thực hiện Dự án Bảo tồn voi Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk. Một trong những hỗ trợ cho phía Đắk Lắk là tổ chức này sẽ tư vấn thiết kế và xây dựng khu vực chăm sóc và quản lý voi, nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị và nghiên cứu sinh sản voi cho trung tâm. Hợp tác cứu hộ voi rừng bị tai nạn hoặc voi nhà có điều kiện chăm sóc không bảo đảm, nâng cao nhận thức về bảo tồn voi và các loài động vật hoang dã khác. Trong năm 2018, Animals Asia còn hỗ trợ kinh phí để xây dựng vườn cây thuốc và mở rộng khu trồng thức ăn đủ cung cấp cho 6 cá thể voi đang chăm sóc tại trung tâm.
Ông David Neale – Giám đốc phúc lợi động vật Animals Asia, cho biết xu hướng trên thế giới đang chuyển dần du lịch thân thiện hơn với môi trường. “Tại Việt Nam, VQG Yók Đôn sẽ là đơn vị đầu tiên cam kết chuyển đổi mô hình sử dụng du lịch cưỡi voi thông thường sang một mô hình mới, ngắm những cá thể voi tự do sinh hoạt trong môi trường tự nhiên” – ông David Neale nói.
Voi không làm du lịch, chủ sống bằng gì?
Trong nhiều năm qua, số lượng đàn voi nhà tại Đắk Lắk bị suy giảm đáng kể bởi môi trường sống thu hẹp; số voi nhà trong độ tuổi sinh sản bị nuôi nhốt, thiếu không gian “yêu đương” nên khi hay tin chuyên gia thế giới ủng hộ Việt Nam không khai thác sức voi làm du lịch, nài voi Y Mưh Byă (56 tuổi, huyện Buôn Đôn) tỏ ra vui mừng khi được thông báo về kế hoạch để thả voi vào tự nhiên sinh sống. Tuy vậy, ông cũng còn nhiều trăn trở. Bản thân ông Y Mưh Byă là người gắn bó với voi Buôn Khăm (48 tuổi) từ năm 1990 đến nay, ông hiểu việc khai thác sức voi Buôn Khăm phục vụ du lịch cưỡi voi nhưng không còn cách nào khác bởi kinh tế gia đình còn khó khăn và việc để voi làm du lịch sẽ giúp có thêm thu nhập mua thức ăn cho voi.
Nhìn cá thể voi nhà bị xiềng xích, cơ thể teo tóp vì thiếu dinh dưỡng, ông Y Mưh Byă xót xa nhưng nếu không làm du lịch, ông không thể xoay sở kinh phí để mua thức ăn cho voi và nuôi sống gia đình. “Trước 8 giờ hằng ngày, Buôn Khăm đã phải tập trung tại trung tâm du lịch để đưa đón khách. Đến chiều, tôi đưa Buôn Khăm mới được đưa về rừng trong tình trạng xích chân nên sinh hoạt khó khăn. Tôi được biết, theo kế hoạch bảo tồn voi của các chuyên gia thế giới, voi sẽ không còn bị khai thác sức lao động mà được đưa vào rừng sinh sống. Tuy vậy, nếu không còn hoạt động cưỡi voi thì nguồn thu nhập của nài voi bị giảm. Đó là chưa kể, nếu thả voi vào rừng thì công việc của nài voi sẽ được giải quyết thế nào” – ông Y Mưh Byă chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết: “Thái Lan đã thực hiện mô hình này rất hiệu quả. Tại Đắk Lắk, du khách nước ngoài và một phần du khách trong nước cũng bắt đầu hiểu và yêu quý loài voi nên họ không thích cưỡi voi mà thích ngắm nhìn. Trung tâm cũng đã làm việc với từng chủ voi và họ rất tán thành mô hình du lịch không cưỡi voi nên sẽ tiếp tục kêu gọi tài trợ để hỗ trợ trong thời gian đầu chuyển đổi”.