Bài cuối: Cần tổ chức lại bộ máy quản lý, bảo vệ rừng tại Quảng Nam
Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam xảy ra một số vụ phá rừng quy mô lớn, đặc biệt là vụ phá rừng thuộc khu vực Sông Kôn, huyện Đông Giang và vụ chặt hạ 33 cây gỗ lim hàng trăm tuổi quý hiếm tại thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang. Mặc dù các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ việc và kỷ luật một số cán bộ liên quan, song dư luận vẫn e ngại về công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Bảo vệ rừng và Môi trường về một số nguyên nhân, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.
Gần đây Quảng Nam xảy ra nhiều vụ phá rừng liên tiếp, trong đó có không ít cán bộ quản lý và kiểm lâm địa bàn đã bị đình chỉ công tác. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này và đâu là nguyên nhân cốt lõi?
Ông Lê Trí Thanh: Trong thời gian qua tình trạng xâm hại rừng, phá rừng vẫn còn xảy ra, tuy không nhiều, không nghiêm trọng nhưng cũng tác động không nhỏ đến hệ sinh thái rừng tự nhiên của Quảng Nam. Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể kể tới những bất cập về mặt quy định luật pháp; bất cập trong việc sắp xếp, phân bố lực lượng kiểm lâm, có địa bàn có diện tích rừng thấp, trữ lượng rừng thấp nhưng cũng phân bố kiểm lâm như địa bàn có nhiều rừng, địa hình phức tạp, tính nhạy cảm cao. Ngoài ra, cách thức làm việc của cán bộ kiểm lâm cũng còn hạn chế, đa phần vẫn theo phương thức thủ công, khi phát hiện mới xử lý và thi thoảng mới tổ chức những đợt tuần tra, bảo vệ rừng. Lẽ ra, rừng phải được quản lý từ trên không thay vì giám sát dưới mặt đất vì có những khu vực bị phá ở sâu, phải đi 5 – 6 giờ đồng hồ mới tới nơi, thậm chí nhiều khu vực bị phá vài tháng sau mới bị phát hiện. Một điểm khác nữa là địa hình Quảng Nam khá đặc biệt, có nhiều hệ thống sông suối lớn, nhiều thủy điện. Khi chưa xây dựng hệ thống thủy điện thì việc vận chuyển gỗ lậu chủ yếu theo đường mòn, giờ lại vận chuyển qua lòng hồ thủy điện, vì vậy, với lực lượng mỏng, cơ chế bất cập, chưa có sự phối hợp thống nhất, kiểm lâm địa phương khó lòng quán xuyến hết và chặn đứng các đường đi của lâm tặc, tất nhiên không loại trừ có trường hợp thông đồng, tiếp tay cho lâm tặc. Việc này cần sự nỗ lực của các cấp các ngành, từ hệ thống pháp luật đến chính sách thực thi ở cơ sở.
Ông có thể lý giải cụ thể những bất cập đã nêu và giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Về mặt tổ chức quản lý, trên địa bàn hiện có hạt kiểm lâm của các ban quản lý rừng nhưng cũng đồng thời có hạt kiểm lâm của các huyện nên rất chồng chéo, cụ thể là chồng chéo giữa cơ quan quản lý nhà nước thực thi pháp luật với cơ quan sự nghiệp về quản lý và bảo vệ rừng, do đó, khi xảy ra hủy hoại rừng thì rất khó quy trách nhiệm. Sắp tới, Quảng Nam sẽ tổ chức lại theo hướng đưa các hạt kiểm lâm thuộc ban quản lý rừng về UBND huyện quản lý để tham mưu cho cấp huyện về công tác quản lý, bảo vệ rừng vì thực tế có những huyện 80 – 90% diện tích đất là đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ sắp xếp lại lực lượng kiểm lâm và lực lượng làm công tác bảo vệ rừng theo hướng tinh gọn hơn, những cán bộ nào yếu về sức khỏe hoặc mắc bệnh kéo dài hoặc không thể đảm đương công tác quản lý và bảo vệ rừng trong điều kiện áp lực và yêu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến như hiện nay thì sẽ xem xét điều chuyển sang các vị trí công việc khác phù hợp hơn hoặc có thể giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi.
Đối với nhóm kiểm lâm địa bàn (trực thuộc kiểm lâm huyện hoặc kiểm lâm của các ban quản lý), hiện đa phần chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp xã cũng như chưa phối hợp tốt với cấp cơ sở trong việc tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, chủ yếu vẫn hoạt động độc lập, đơn lẻ. Theo quy định, ít nhất mỗi xã có một kiểm lâm địa bàn nhưng do thiếu nhân lực nên có khi một kiểm lâm địa bàn phụ trách vài xã, vì vậy không thể đảm đương được. Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức lại mỗi xã ít nhất có một kiểm lâm, những xã có nhiều diện tích rừng có thể bố trí 2 – 3 kiểm lâm địa bàn và biệt phái kiểm lâm này giao Chủ tịch xã trực tiếp quản lý, yêu cầu phối hợp với cán bộ lâm nghiệp xã, cán bộ ban quản lý bảo vệ rừng và cộng đồng thôn để bảo vệ rừng.
Riêng với việc tuần tra bảo vệ rừng, cần kêu gọi toàn bộ hệ thống tham gia chứ không nên chỉ phụ thuộc vào các ban quản lý bảo vệ rừng hay lực lượng kiểm lâm, trong đó cần xác định người dân là nòng cốt. Hiện tỉnh đang tổ chức theo quy mô các nhóm hộ tuần tra bảo vệ rừng, hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng chính sách này bộc lộ một số bất cập, mang tính cào bằng, do đó sắp tới sẽ tổ chức lại thành các đội tuần tra bảo vệ rừng ở từng thôn, xây dựng hương ước, thành lập các đội thanh niên khỏe mạnh, hiểu biết về địa hình, hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng một cách xứng đáng.
Ngoài việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, vấn đề áp dụng khoa học công nghệ cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc giám sát, quản trị rừng. Quảng Nam đã thực hiện giải pháp này như thế nào thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển rừng là hết sức cần thiết, hiện Quảng Nam đã được các tổ chức quốc tế của Nhật Bản, Hoa Kỳ thuộc Dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ máy tính bảng và cập nhật hiện trạng rừng từ hình ảnh của vệ tinh, tuy nhiên, giải pháp này chưa giúp phát hiện được tình trạng phá rừng cụ thể ở các điểm. Do đó, Quảng Nam đang giao cho ngành Nông nghiệp và Kiểm lâm xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và bảo vệ rừng, trong đó tập trung vào hai giải pháp: một là sử dụng thiết bị bay không người lái để có thể quản lý một khoảng rừng nhất định và có thể phát hiện ngay vi phạm báo về trung tâm; hai là gắn chip ở một số khu vực rừng trọng điểm nhằm phát hiện tiếng động cơ của cưa máy trong bán kính nhất định và sẽ báo về trung tâm, ưu tiên những điểm xung yếu. Tuy nhiên, Đề án hiện cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí, tỉnh đang cố gắng tìm nguồn tài trợ bên ngoài, trường hợp không khả thi, địa phương sẽ đầu tư kinh phí, tuy nhiên, cần được trung ương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Quảng Nam sẽ bố trí thêm thiết bị bay không người lái và gắn chip, đồng thời mua thêm khoảng 200 máy tính bảng so với con số 250 máy tính bảng đã được tài trợ từ trước, cố gắng 2019 sẽ thực hiện được Đề án này.
Hiện nhiều địa phương tiến hành giao, khoán rừng cho cộng đồng nhưng rừng vẫn bị chặt phá hoặc khai thác trái phép. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Trí Thanh: Giao cho cộng đồng không có nghĩa là khoán trắng cho công đồng mà phải tổ chức được các đội công tác tuần tra, bảo vệ rừng với sự tham gia phối hợp hiệu quả giữa cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã, cán bộ ban quản lý rừng đóng tại địa bàn và cộng đồng. Bên cạnh đó, chính phủ cần nghiên cứu cơ chế chính sách cho đồng bào vùng sâu vùng xa gắn bó với rừng vì từ xa xưa trong tiềm thức của họ, rừng là của tổ tiên nên khi thiên tai, bão lũ…, họ vẫn cần vào rừng để lấy gỗ sửa sang nhà cửa, chuồng trại, nếu cấm tuyệt đối thì rất khó ngăn được phá rừng trái phép.
Cảm ơn ông!
Theo ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, một trong những nguyên nhân gây mất rừng tại địa phương là do nhân lực mỏng. “Kết quả kiểm kê rừng năm 2016 cho thấy toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 680.000 ha rừng, trong đó gần 450.000 ha là rừng tự nhiên. Hiện tỉnh đã giao, khoán khoảng 400.000 ha rừng tự nhiên cho các hộ, nhóm hộ và cộng đồng, khoảng 50.000 ha rừng còn lại thì khá phân tán, nhỏ lẻ, chất lượng rừng thấp nên chưa giao… Chính phủ quy định 1.000 ha thì có một biên chế kiểm lâm nhưng tỉnh mới có 285 kiểm lâm, thiếu gần 400 cán bộ. Cũng theo quy định, tối thiểu mỗi xã có một kiểm lâm địa bàn nhưng tỉnh có 170 xã có rừng thì mới bố trí được 70 người, các xã còn lại phải kiêm nghiệm hoặc một kiểm lâm phụ trách nhiều địa bàn… Riêng xã Chà Val có 17.000 ha rừng tự nhiên nhưng chỉ có duy nhất 01 kiểm lâm địa bàn, xã Tà Pơơ có 12.000 ha thì kiểm lâm Rừng phòng hộ Nam Sông Bung phải kiêm nghiệm… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng, khách quan có, chủ quan có, tỉnh và sở cũng có nhiều kiến nghị. Về nhân lực, địa phương đã đề nghị xin thêm biên chế kiểm lâm nhưng chưa được, hiện một số đã nghỉ hưu, một số làm hợp đồng với mức lương 2 – 3 triệu nên khó trụ được” – ông Hưng chia sẻ. |