Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 18.564 MW, đang xây dựng 143 dự án với tổng công suất 1.848 MW…
Nhiều công trình trong số này, đặc biệt là các công trình dưới 30 MW, gây những lo ngại về an toàn trong việc xây dựng và vận hành hồ đập. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hơn việc rà soát, kiểm tra quy định vận hành, đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện.
Nhiều bất ổn từ công trình nhỏ
Nhận định từ Bộ Công Thương cho biết, với các dự án thủy điện có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30MW, do nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn nên tài liệu để lập quy hoạch còn hạn chế, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi…
Trong khi đó, cơ quan xây dựng quy hoạch (Sở Công Thương) các tỉnh có dự án còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp giữa các sở, ngành của địa phương trong quá trình lập, xem xét quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ, vì vậy, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình nghiên cứu đầu tư.
Cùng với đó, ở giai đoạn trước năm 2013, do quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; trong đó, có xây dựng đập thủy điện còn bất cập như việc thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật đều do chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có ý kiến ở giai đoạn thiết kế cơ sở nên việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình từ khâu thiết kế, xây dựng, nghiệm thu đều chưa được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ nên đã để xảy ra một số sự cố trong quá trình thi công xây dựng.
Có thể kể đến như tại công trình thủy điện Ia Krel 2 (tỉnh Gia Lai), Đa Dâng – Đa Cho Mo (tỉnh Lâm Đồng)…; một số công trình qua kiểm tra cho thấy còn tồn tại về chất lượng cần có giải pháp xử lý như Đak Srong 2, Đak Srong 3A, Đak Srong 3B (tỉnh Gia Lai) hoặc thi công xây dựng không đúng theo thiết kế được thông qua, phê duyệt như Đak Srong 2, Đại Nga và Đại Bình (tỉnh Lâm Đồng)…
Đối với những công trình này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương tăng cường quản lý nhà nước, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục bảo đảm chất lượng và an toàn.
Từ năm 2013 đến nay, các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung; trong đó có công trình thủy điện nói riêng từ giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu, đưa vào sử dụng, bảo trì đã đầy đủ và đảm bảo cho việc thực hiện quản lý của cơ quan nhà nước nên tình trạng sự cố trong quá trình xây dựng đã giảm.
Về vận hành hồ chứa, đánh giá của Bộ Công Thương cho hay, trước kia, việc vận hành hồ chứa trong một số trường hợp không tuân thủ đúng, quy trình vận hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, sự phối hợp giữa các chủ đập và giữa chủ đập với các cơ quan chức năng của địa phương chưa chặt chẽ nên có một số trường hợp xả lũ gây bức xúc dư luận và nhân dân vùng hạ du.
Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng, vận hành hồ chứa dần đi vào nề nếp, điển hình là trong các đợt lũ lớn năm 2016, 2017, các hồ chứa thủy điện đã phối hợp vận hành theo đúng quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đã đóng vai trò quan trọng trong việc cắt/giảm/làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Hiện đa số chủ đập thủy điện đã thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập.
Đẩy mạnh an toàn trong vận hành
Để thực hiện tốt vận hành hồ, quản lý an toàn đập thủy điện, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủy điện phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập.
Bộ sẽ xây dựng chương trình để nâng cao năng lực quản lý thủy điện cho cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, gồm 2 hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu hồ chứa, công cụ hỗ trợ quản lý, giám sát an toàn đập thủy điện và xây dựng phương pháp đánh giá an toàn đập thuỷ điện, thí điểm đánh giá cho một số loại đập điển hình.
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện; tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện và loại những dự án thủy điện hiệu quả thấp hoặc ảnh hưởng xấu đến môi trường – xã hội.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập bảo đảm đầy đủ, chi tiết, khả thi…; trước mắt khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP.
Các tỉnh cần rà soát vùng hạ du các hồ chứa thủy điện và có giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương để bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện.
Với các chủ đập thủy điện, Bộ Công Thương sẽ chủ động kiểm tra, đôn đốc các chủ đập thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa; tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào kiểm tra, quan trắc đập; quan trắc khí tượng thủy văn, tính toán quá trình lũ… để vận hành công trình thủy điện hiệu quả, an toàn cho công trình và vùng hạ du.