Cả vùng quê đang yên bình bỗng chốc bị chìm dưới biển nước mặn mênh mông. Từ trên cao, nước muối như cơn lũ đổ xuống khu dân cư, trong tích tắc đã làm ngập hàng trăm ngôi nhà cấp bốn, khu vườn, giếng nước, làm đảo lộn cuộc sống của gần 1.000 hộ dân xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư ấy xảy ra từ năm 2010, nhưng đến nay nơi đây vẫn đang là một vùng “đất chết” do đất đai bị nhiễm mặn khủng khiếp, nhà cửa của người dân bị muối “ăn” nát tường, hàng trăm giếng nước phải bỏ hoang, môi trường đặc quánh không khí mặn chát, thiếu đất sản xuất, đói nghèo…
Vùng đất chết
Về xã Phước Minh vào những ngày tháng Sáu, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những vườn cây chết đứng, đất nông nghiệp khô cằn hệt như vùng sa mạc. Trong khu dân cư, hàng trăm ngôi nhà cấp bốn đang chờ đổ sập do bị muối “ăn” nát tường, nhiều nhà sửa đi sửa lại nhiều lần vẫn còn dấu tích của muối.
Dưới cái nắng như đổ lửa ở thôn Quán Thẻ 1 (khu vực bị nhiễm mặn nặng nề nhất xã Phước Minh), bà Mai Thị Trang và cậu con trai đang cạo những mảng tường bị bong rộp do muối ăn mòn, sau đó dùng vữa xi măng trám lên thành từng mảnh vá.
Nhà của gia đình bà Trang mới xây cách đây vài năm nên vẫn còn “cơ hội” trám trét lại tường. Còn với những ngôi nhà xây từ lâu như của gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên ở kế bên thì đã quá dột nát, chỉ còn cách đập đi xây lại hoàn toàn.
Hiện tại, sau gần thập kỷ bị nước biển xâm thực, toàn bộ nền, tường, mái ngôi nhà cấp bốn của cụ bà 67 tuổi đang mủn ra do bị muối “ăn” nát, một số mảng tường đã bị đổ sập hoàn toàn. Giếng nước nhiễm mặn không thể dùng. Toàn bộ khu vườn ở trước sân cũng trống hoác, cằn cỗi.
Chia sẻ với phóng viên, bà Khuyên kể, gia đình trước có hơn 600 m2 đất trồng rau, ngày trước quanh năm xanh tốt, thu nhập từ bán rau và trái cây cũng đủ nuôi sống gia đình. Thế nhưng, từ khi xuất hiện Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, cuộc sống gia đình bà đã rơi vào tình cảnh trắng tay.
Theo lời bà Khuyên, xảy ra sự cố nhiễm mặn trên là do doanh nghiệp bơm nước biển lên các hồ chứa trên lưng chừng núi để sản xuất muối, sau đó nước mặn đã thẩm thấu vào làng, gây ra tình trạng nhiễm mặn không khí, đất, nguồn nước ngầm ở thôn Quán Thẻ và các thôn lân cận của xã Phước Minh.
“Đấy chú xem, ở đây cách biển tới gần 20km mà muối cứ phủ trắng khắp nơi như thế này có vô lý không? Có nơi nào làm muối ở trên đồi núi, còn dân ở dưới trũng như ở vùng này không? Sống ở đây mất hết nước ngọt, đất đai nhiễm mặn không trồng gì được, nhà cửa thì sắp đổ rồi, khổ lắm,” bà Khuyên rầu rĩ nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ với quy mô lớn nhất trong ngành sản xuất muối công nghiệp ở Việt Nam (diện tích 2.510 ha, công suất hơn 300.000 tấn muối/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.344 tỷ đồng) bắt đầu được triển khai từ năm 2000, do Tổng công ty Muối Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài triển khai ì ạch do nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động môi trường và chậm đền bù, năm 2008, dự án muối lớn nhất Việt Nam đã được chuyển giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long tiếp tục đầu tư, triển khai các hạng mục còn dang dở.
Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận dự án, đầu năm 2009, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã chính thức cho ra mẻ muối đầu tiên, đây cũng là thời điểm xảy ra tình trạng nhiễm mặn ở trên địa bàn xã Phước Minh, và sau đó ngày càng trở nên trầm trọng và nhiễm mặn trên diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc triển khai dự án muối ở xã Phước Minh là do khu vực này không đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì thế, dự án muối được coi là giải pháp để thay đổi mô hình sản xuất, đảm bảo an ninh muối quốc gia, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho địa phương.
“Tuy nhiên sau khi dự án được triển khai, vùng đất xã Phước Minh đã phát sinh tình trạng nhiễm mặn, nhiều diện tích đất đai không thể sử dụng,” ông Bính nói.
Kết quả quan trắc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước và Môi trường Bình Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, độ mặn nước mặt tại các thôn bị nhiễm mặn ở xã Phước Minh đã vượt so với tiêu chuẩn quy định từ 36,2 đến 42,7 lần; độ mặn nước ngầm vượt từ 40,7 đến 71,4 lần.
Còn theo khảo sát, đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, thì từ sau sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư xã Phước Minh, phần lớn giếng nước ngọt trong vùng ảnh hưởng đã bị nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn gấp 24-30 lần.
Số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh cho thấy, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đã khiến 4 thôn (gồm Quán Thẻ 1, Quán Thẻ 2, Quán Thẻ 3 và Lạc Tiến) bị nhiễm mặn, gần 600 giếng nước không thể sử dụng; cây cối bị chết; các công trình dân sinh, công cộng như nhà cửa, đường sá, trường tiểu học, cột điện bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
Ngoài ra, hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp ở ngoài vùng dự án cũng bị nhiễm mặn không thể sản xuất, trồng trọt, nay đang bị hoang hóa.
Vậy tại sao đất đai, nguồn nước ngầm trong và ngoài vùng Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ tại xã Phương Minh lại bị nhiễm mặn nặng nề và lan tỏa trên diện rộng như vậy?
Theo lý giải của ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh, nguyên nhân gây ra sự cố nhiễm mặn trên địa bàn là do cánh đồng muối cao hơn khu dân cư từ 5 đến 10m, địa chất trong vùng chủ yếu là đất cát pha. Trong quá trình xây dựng các ruộng muối, đơn vị sản xuất chỉ chống thấm bờ bao mà không chống thấm nền ruộng. Vì thế, khi nước biển được bơm vào đồng, một phần nước đã thấm xuống lòng đất, chảy về khu dân cư gây nhiễm mặn.
Hơn nữa, Ninh Thuận là địa phương có khí hậu khô hạn nhất nước và Quán Thẻ là vùng khô hạn nhất Ninh Thuận. Nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh nên khi nước mặn tràn vào khu dân cư, cả vùng giống như một lò hơi “khổng lồ” khiến cây cối chết, nhà cửa đều bị muối kết trắng xóa, không khí ngột ngạt, mặn chát.
Xã “trắng” về nông nghiệp
Ngoài khả năng thẩm thấu nước mặn xuống lòng đất, theo ông Cương, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ còn để xảy ra sự cố vỡ bờ đê bao chứa nước mặn, khiến nước muối tràn thẳng vào khu dân cư, làm ngập hàng trăm hécta đất nông nghiệp, giếng nước và các hồ chứa nước ngọt trên địa bàn.
Điều đáng nói là, sau khi xảy ra sự cố nước muối nhuốm mặn” khu dân cư, hơn 90% số hộ dân trong xã đã bị thu hồi đất, số còn lại cũng bị nhiễm mặn không thể sản xuất. “Thực trạng này đã khiến Phước Minh trở thành xã ‘trắng’ về nông nghiệp, thiếu đất sản xuất,” ông Cương buồn rầu nói.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh cũng cho biết, từ khi dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đi vào hoạt động đến nay, thôn Quán Thẻ 1 đã có 292 hộ dân bị ảnh hưởng do đất vườn, đất nông nghiệp và nguồn nước nhiễm mặn, nhà cửa hư hỏng nặng nề.
“Đến nay, sau 18 năm dự án muối được triển khai và gây nhiễm mặn, toàn xã vẫn còn 220 ha đất phải bỏ hoang, người dân không thể sản xuất, nhưng hiện tại vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù, khiến người dân vô cùng bức xúc. Lý do của việc chậm đền bù ở đây là vì số tiền quá lớn, vào khoảng 140 tỷ đồng,” ông Cương nói thêm.
Hướng ánh mắt xa xăm về phía cánh đồng đã bỏ hoang nhiều năm trời vì nhiễm mặn, bà Trần Thị Huê, trưởng thôn Quán Thẻ 1, buồn rầu nói: “Bao năm qua, chúng tôi phải chịu cảnh ‘khát’ nước sạch, đất đai nhiễm mặn bỏ hoang, nhà cửa bị hư hỏng nặng nề do bị muối ‘ăn’ mòn phải sửa đi sửa lại quanh năm. Thế mà tiền đền bù đến nay vẫn chưa chi trả xong, khiến dân phải sống khốn khổ thế này.”
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận thừa nhận sự cố nhiễm mặn trên đã để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân là do chủ đầu tư trước đây chưa có đánh giá tác động môi trường nghiêm túc. Tuy nhiên, những năm qua, công ty cũng đã khắc phục thiệt hại, tạo việc làm cho người dân…
“Vừa qua, công ty cũng đã thuê đơn vị tư vấn về đánh giá lại tác động môi trường, cũng như triển khai một số giải pháp để giảm thiểu độ nhiễm mặn. Hiện công việc hỗ trợ và khắc phục thiệt hại vẫn đang tiếp tục được triển khai,” vị đại diện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận nhấn mạnh.
Sẽ thu hẹp cánh đồng muối
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về dự án nói trên, ông Lê Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, viêc sản xuất muối là cần thiết cho việc phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ vẫn còn để lại nhiều “khoảng tối” chưa được giải quyết đứt điểm.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ gây nhiễm mặn đất đai, nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay việc hỗ trợ đền bù đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Thông báo Kết luận số 420-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, do ông Nguyễn Bắc Việt ký ngày 8/5/2017, cũng khẳng định: Dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia về muối và phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, việc làm, đời sống của nhân dân trong vùng dự án.
Đặc biệt là việc triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn và hỗ trợ nhiễm mặn; đầu tư hạ tầng di dân, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn quán thẻ 2; phương án hoàn trả ngân sách đã đầu tư trực tiếp cho dự án…
Về mức độ thiệt hại, thống kê của cơ quan chức năng địa phương cho thấy, hệ lụy từ việc sản xuất muối không khoa học trên đã làm toàn bộ 600 giếng nước ngọt và các hồ chứa nước ngọt ở Phước Minh trở thành nơi chứa nước mặn, nhà cửa hư hỏng, cây cối chết khô, đất nông nghiệp đối diện dự án muối đang dần bị phủ trắng bởi muối.
Nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại do tình trạng nhiễm mặn gây ra, từ năm 2013 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã tiến hành thống kê và chi trả cho hơn 1.000 hộ dân với tổng số tiền hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ giúp người dân giải quyết một số khó khăn trước mắt.
Ngoài ra, một kế hoạch tái định cư cho 200 hộ dân trong vùng bị nhiễm mặn nặng cũng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tính tới, tuy nhiên, do không có vốn nên dự án vẫn chưa thể thực hiện. Vì vậy, người dân nơi đây vẫn phải tự loay hoay đối phó với tình trạng nhiễm mặn, với nhiều vườn cây chết khô, nhà cửa bị muối “ăn” nát, hàng trăm giếng nước bị nhiễm mặn không thể sử dụng.
Để công tác quản lý, thực hiện dự án hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, cũng như khắc phục các hệ lụy do dự án muối gây ra, tại Công văn số 1998/TTg-NN ngày 28/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các Bộ liên quan về việc chuyển giao dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quản lý.”
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thống nhất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về nội dung điều chuyển, thủ tục thanh quyết toán các hạng mục đã thực hiện của dự án, giải pháp xử lý triệt để những tồn tại trong quá trình bàn giao đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, tại Công văn số 980/TTg-KTN ngày 8/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định pháp luật; chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đề xuất kế hoạch hoàn trả phân vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư trực tiếp cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…
Tuy nhiên, theo báo cáo số 1704/UBND-TCD ngày 26/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Tiến độ bàn giao dự án theo kế hoạch phải hoàn thành trước ngày 31/3/2018 là không khả thi, với lý do dự án còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm.”
Do đó, để có thời gian nghiên cứu tổng thể các nội dung liên quan đến công tác bàn giao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đồng ý lùi thời gian bàn giao dự án để có thời gian tập trung xử lý cơ bản các vấn đề còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc.
Hơn nữa, “đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp cần phải bàn bạc thống nhất giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo tỉnh trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm xử lý lý, giải quyết các vấn đề phát sinh tại dự án sau khi bàn giao,” báo cáo nhấn mạnh.
Sau một thời gian lùi thời gian bàn giao vì lý do chưa thống nhất phương án đề bù, cũng như khả năng giải ngân vốn dự án, ngày 19/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất trong vùng dự án.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng giao Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (nay là Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận) và các đơn vị liên quan thông báo tới người dân việc bàn giao dự án, sau đó tiến hành các thủ tục giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Trong khi chờ đợi một giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài, vấn đề cấp bách đối với chủ đầu tư và chính quyền địa phương hiện nay là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, thu hẹp bớt diện tích đồng muối, đặc biệt là một số cánh đồng gần khu dân cư.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị liên quan lên phương án tổ chức tiến hành chống thấm cho các ruộng muối, nạo vét và khơi thông các tuyến kênh, mương nhằm “rút bớt” nước mặn ra khỏi khu vực, hạn chế tình trạng nhiễm mặn lan rộng; nhanh chóng bố trí tái định cư và giải quyết tốt công ăn việc làm cho người dân trong vùng dự án.
Theo báo cáo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh, từ khi Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đi vào sản xuất và “bức tử” môi trường sống của nhân dân đến nay, người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cũng theo đó tăng lên do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm…
Nếu giai đoạn 2004-2007, toàn xã có 5% số hộ đói nghèo, thì sau sự cố nhiễm mặn đã tăng lên 15% (năm 2010), và đến năm 2014 số hô đói nghèo đã tăng hơn 19%. |