Tác động từ biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, nhưng nhiệt điện than đến năm 2030 vẫn giữ vai chính trong nguồn điện quốc gia
Một mục tiêu lớn trong Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 do Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là giảm thiểu biến đổi khí hậu trong phát triển năng lượng.
Cụ thể, giảm phát thải CO2 từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường 12% vào năm 2025, đạt 15% vào năm 2030 và đạt mức 18% vào năm 2035.
Dư luận ngại nhiệt điện than
Nhưng cạnh đó cũng tồn tại một mục tiêu lớn khác, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2025 đạt từ 137-147 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 218-238 triệu tấn dầu tương đương. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2025 đạt từ 83-89 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 121-135 triệu tấn dầu tương đương.
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ nay đến năm 2020 và năm 2025, xu hướng phát triển phụ tải ở phía Nam ở mức rất “nóng”.
Tính toán cân bằng cung – cầu điện toàn quốc giai đoạn 2017 – 2020, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung – cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10 – 15% tổng nhu cầu (khoảng 2.000MW). |
Thế nhưng, nhìn vào tỷ trọng các dạng nguồn năng lượng điện hiện nay, có thể thấy nhiệt điện than, hiện tại và đến năm 2030, vẫn giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp năng lượng điện cho Hệ thống điện toàn quốc.
Ủng hộ cho phát triển nhiệt điện than, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, đến nay vẫn kỳ vọng đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ đạt quy mô 25.620MW chiếm 42,7% công suất, cấp 130,2 tỉ kWh chiếm 49,3% điện năng toàn hệ thống.
Năm 2030, nhiệt điện than có tổng công suất 53.890MW chiếm 42,6% tổng công suất, cấp 304,3 tỉ kWh chiếm 53,2 % điện năng toàn hệ thống. Công suất nhiệt điện than năm 2030 so với năm 2020 cơ bản không thay đổi tỉ lệ % công suất 42,7% (2020) so với 42,6% (2030), nhưng điện năng cung cấp tăng 10,6%.
Như vậy, nếu tính khả năng phát điện, tỉ lệ điện năng cung cấp trên tỉ lệ công suất đặt thì nhiệt điện than khoảng 1,15 vào năm 2020) đến 1,25 vào 2030, trong khi năng lượng tái tạo chỉ là 0,65 vào năm 2020) và 0,5 cho giai đoạn 2020-2030.
Thực ra, ngay cả với mục tiêu này cũng đặt ra không ít thách thức cho chính ngành điện. Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương, ông Lê Văn Lực, thừa nhận, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện.
Cũng theo ông Lực, thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
Thêm thách thức
Trên thực tế, phát triển nhiệt điện than luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường, chủ yếu là xử lý khí thải, tro và xỉ của các nhà máy. “Dư luận đang lo ngại về nhiệt điện than”, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, hôm 9.8.
Theo ông Thiên, mục tiêu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng bình quân khoảng 7 %/năm trong giai đoạn 2016-2035, nên cần có những giải pháp phù hợp cho phát triển nguồn điện.
Nếu tiếp tục làm nhiệt điện than, ông Thiên nói phải tính đến cân đối cung – cầu cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện; giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như cá c vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hàng năm hơn 16 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha.
Trong khi đó, dự kiến tới năm 2020, có thêm 12 dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động, tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.
Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, PGS – TS. Trương Duy Nghĩa, đưa ước tính, tới năm 2030, tỷ lệ nhiệt điện than về cơ học có thể tới 59 – 60% sản lượng điện quốc gia.
Theo quan sát của PGS -TS. Trương Duy Nghĩa, Trung Quốc đang là nước có tỷ lệ nhiệt điện than rất cao, tới 79%, trong khi trung bình thế giới là 41,2%. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường cũng là lý do chính để Chính phủ nước này cho đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than, cấm đầu tư nhà máy nhiệt điện công suất dưới 200 MW.
Từ góc nhìn người trong cuộc, PGS -TS. Trương Duy Nghĩa, khi số đánh giá tác động môi trường được thực hiện nghiêm túc, việc xử lý chất thải độc hại tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ không tác động đến môi trường.
Muốn vậy, các nhà máy nhiệt điện than cần tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả, đưa ra biện pháp xử lý, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam khuyến cáo.