Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi tàng trữ động vật hoang dã, quý, hiếm

Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Ảnh minh họa

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tàng trữ

Kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, người có hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Dự thảo đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Đối với người có hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trước ngày 01/01/2018 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Phương án 2: Không hướng dẫn nội dung này mà Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo hướng quy định: (1) Trong thời hạn 1 năm người có hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Nếu hết thời hạn phải thu hồi người tàng trữ không giao nộp thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (2) Hoặc ấn định thời gian đăng ký sở hữu hợp pháp. Sau khi hết thời hạn đăng ký mà không đăng ký thì hành vi tàng trữ là bất hợp pháp và khi đó mới xử lý trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, trường hợp người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nếu không có một trong các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm đ, e, i và k khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Xử lý vật chứng

Về xử lý vật chứng, dự thảo cũng đề xuất 3 phương án. Cụ thể, phương án 1: Đối với vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã xử lý vật chứng trước khi chuyển hồ sơ cho Tòa án thì Tòa án căn cứ vào các chứng cứ như: biên bản thu giữ, bản ảnh, dữ liệu điện tử, biên bản giám định, biên bản giao nhận, quyết định xử lý vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác liên quan có trong hồ sơ vụ án để giải quyết. Đối với vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa quyết định xử lý vật chứng thì Tòa án xử lý theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Phương án 2: Đối với vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, như: để trả về tự nhiên, gửi vào các Trung tâm cứu hộ, giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia hoặc cơ quan tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Đối với vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy.

Đối với vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì Tòa án căn cứ vào các chứng cứ, như: biên bản thu giữ, bản ảnh, dữ liệu điện tử, biên bản giám định, biên bản giao nhận, quyết định xử lý vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác liên quan có trong hồ sơ vụ án để giải quyết.

Ngoài ra, phương án 3: Không hướng dẫn trong Nghị quyết này mà cần đưa vào nội dung hướng dẫn trong Thông tư liên tịch của Liên ngành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: