Có lẽ 2018 đã trở thành năm mà nắng nóng bất thường được xem là nỗi ám ảnh khủng khiếp toàn cầu.
Từ châu Mỹ, châu Á tới châu Âu, ngay cả những khu vực từng có khí hậu ôn hòa, nắng nóng kỷ lục và kéo dài suốt nhiều tuần đang làm đảo lộn cuộc sống của mọi người dân, ảnh hưởng tới sản xuất, đe dọa nền kinh tế, an ninh… Số ca tử vong do nắng nóng ngày một tăng cùng những hậu quả tàn khốc do nhiệt độ tăng cao gây ra trên mọi lĩnh vực, đang trở thành những thông tin gây nhức nhối.
Nắng nóng hoành hành trên khắp châu Âu với nhiệt độ trên 40 độ C đã trở thành “chuyện thường nhật” ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Italy Anh. Riêng trong tháng Tám này, tại nhiều thành phố châu Âu liên tục chứng kiến những mức kỷ lục mới về nhiệt độ. Ngày 4/8 đã được ghi nhận là ngày nắng nóng nhất tại Pháp kể từ năm 2003. Mức nhiệt độ 46,8 độ C cũng là kỷ lục ở Bồ Đào Nha trong 15 năm qua. Mùa Hè năm nay trở thành mùa Hè nóng nhất tại Thụy Điển trong 260 năm qua. Italy phải ban bố “báo động đỏ” về tình trạng nắng nóng tại 18 thành phố.
Thực tế là cả châu Âu đang gồng mình đối phó với nắng nóng khi mà số người tử vong cũng như người người phải nhập viện do sốc nhiệt tiếp tục gia tăng. Chỉ trong 1 tuần, số người thiệt mạng vì nắng nóng ở Tây Ban Nha đã lên tới 9 người. Trong đợt nắng nóng kéo dài 15 ngày ở Anh và xứ Wales (Uên) từ tháng 6 sang tháng 7 vừa qua, số người tử vong đã cao hơn mức trung bình tới khoảng 700 người.
“Hệ lụy” của đợt nắng nóng trên diện rộng này tại “lục địa già” cũng như thiệt hại kinh tế vẫn chưa thể thống kê đầy đủ. Nắng nóng kéo dài đã buộc nhà chức trách Pháp phải dừng hoạt động 4 lò phản ứng điện hạt nhân nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao làm bùng phát nhiều vụ cháy rừng hoành hành tại Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Thụy Điển… gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Khu vực miền Đông nước Đức đang trải qua một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 55 năm qua, khiến sản lượng nông nghiệp bị ảnh hưởng tới 70%.
Nắng nóng gay gắt đang tàn phá nhiều cánh đồng lúa mì ở phía Bắc châu Âu, trong khi thời tiết khô hạn và mưa lớn tại các nước ở khu vực Biển Đen làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mất mùa, đẩy giá loại ngũ cốc này tăng cao. Cơ quan tư vấn Strategie Grains đã hạ mức dự báo sản lượng thu hoạch lúa mì trong năm nay tại Liên minh châu Âu (EU), vựa lúa mì lớn nhất thế giới, dưới 130 triệu tấn, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Chỉ trong 3 tuần qua, giá lúa mì đã tăng hơn 20% tại thị trường châu Âu và Mỹ.
Tình hình nắng nóng tại châu Á cũng không kém phần khắc nghiệt. Liên tiếp những “kỷ lục buồn” về số ca tử vong và nhập viện do nắng nóng trong mùa Hè tại Hàn Quốc, với mức nhiệt độ cũng lên mức kỷ lục trong 111 năm qua, cùng với đó là khoảng 3.300 con gia súc, gia cầm chết, gây thiệt hại kinh tế ước tính trên 15 triệu USD. Tại Nhật Bản, hơn 130 người đã thiệt mạng và trên 70.000 người phải nhập viện trong đợt nắng nóng bất thường bắt đầu từ đầu tháng 7, trong bối cảnh nước này vừa trải qua đợt mưa lớn gây lũ lụt và lở đất nghiêm trọng tại khu vực miền Tây khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này cũng là nguyên nhân cướp đi mạng sống của trên 70 người ở Canada, khi nắng nóng kinh hoàng với nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C gần như “thiêu cháy” nhiều thành phố của quốc gia Bắc Mỹ này hồi đầu tháng 7 vừa qua. Đây còn là “thủ phạm” của những vụ cháy rừng chưa thể kiểm soát ở Mỹ, đặc biệt tại bang miền Tây California, tjiêu rụi hơn 117.350 hécta rừng, gần bằng diện tích của thành phố Los Angeles.
Theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), xét trên quy mô toàn cầu, tháng 6 vừa qua là tháng nóng thứ hai trong lịch sử, và mức nhiệt chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay đã khiến 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay. WMO cũng khẳng định các đợt nắng nóng cực đoan với cường độ và tần suất nóng ngày càng tăng là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, mà chính con người, với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, góp phần gây ra.
Các số liệu trong Báo cáo khí hậu hằng năm của Mỹ do Hội Khí tượng cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia nước này công bố ngày 1/8 cho thấy trong năm 2017, ba loại khí thải hàng đầu gây biến đổi khí hậu gồm carbon dioxide (CO2), mêtan và nitrous oxide (NO2) đều tăng kỷ lục. Riêng lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần so với đầu những năm 60 của thế kỷ trước.
Giới khoa học cũng cảnh báo thời tiết cực đoan như hiện nay là xu hướng chung trong dài hạn chứ không chỉ xảy ra trong một năm cụ thể nào. Nhiệt độ bình quân hằng năm của thế giới hiện cao hơn 1 độ C so với một thế kỷ trước. Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ trái đất, mực nước biển dâng cao cũng như thay đổi lượng mưa. Điều này tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và tình trạng sức khỏe, nguồn nước, năng lượng, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái bầu khí quyển.
Điều đáng lưu ý là số người tử vong do không thể thích nghi với nhiệt độ cao trong các đợt nắng nóng ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới có thể tăng gấp nhiều lần trong tương lai. Theo nghiên cứu, trong điều kiện thời tiết cực đoan, số ca tử vong do nắng nóng ở 3 thành phố của Australia là Brisbane, Sydney và Melbourne có thể cao gấp 4,7 lần so với trong giai đoạn 1971-2010.
Thậm chí trong điều kiện ít cực đoan nhất, khi lượng khí thải được kiềm chế và dân số tăng chậm, số ca tử vong do nắng nóng vẫn sẽ tăng. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán cũng gây ra nhiều dịch bệnh. Ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ rõ nắng nóng, cháy rừng, bão, nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán sẽ tiếp tục tăng cả về cường độ và tần suất trừ phi chúng ta duy trì mức nhiệt tăng trong khoảng từ 1,5-2 độ C. Kể cả khi duy trì mức tăng dưới 2 độ C, nguy cơ khí hậu bất ổn và khó đoán vẫn tồn tại. Bởi vậy, trách nhiệm đầu tiên của mỗi quốc gia là giảm nhẹ nguy cơ biến đổi khí hậu thông qua việc tuân thủ và duy trì Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là giảm bớt lượng khí phát thải ra môi trường bằng cách giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Climate Transparency (CT), việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại 15 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), nhờ đó mức khí thải bình quân đầu người ở nhiều nền kinh tế thành viên, như Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Nam Phi và Mexico đang có xu hướng giảm dần.
Đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng tăng dần trên toàn cầu, trong năm ngoái lên mức 333,5 tỷ USD, cao hơn 3% so với năm 2016. Trung Quốc đi đầu trong nhóm G20 khi đầu tư 132,6 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016. Bất chấp chính sách thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch, Mỹ cũng chi 56,9 tỷ USD đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo trong cùng kỳ. EU cũng nhất trí nâng mục tiêu sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác từ mức 27% tổng mức năng lượng tiêu thụ của khối lên 32% vào năm 2030. Theo thỏa thuận trên, đến năm 2030, ít nhất 14% nhiên liệu sử dụng cho hoạt động vận tải phải là nguồn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, những nỗ lực kể trên vẫn chưa đủ, mà đợt nắng nóng khủng khiếp lần này là một hồi chuông cảnh báo nữa về hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Thất bại trong việc cắt giảm lượng khí thải đồng nghĩa với việc những thảm họa thiên tai sẽ trở nên phổ biến hơn. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất, phát triển triển ngày càng đòi hỏi nguồn cung năng lượng cao gấp nhiều lần so với hiện tại, bài toán biến đổi khí hậu là thách thức to lớn cho cả hành tinh, đòi hỏi hành động đồng bộ từ nhiều phía, đặc biệt là các nước lớn, vì một tương lai phát triển bền vững trên toàn cầu.