Tối 8/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 32 về việc ứng phó với tác động của việc tăng cường xả lũ hồ chứa.
Để chủ động ứng phó với tác động của việc tăng cường xả lũ hồ chứa, có thể gây ngập lụt tại một số khu vực hạ du và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, các tỉnh, thành phố Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình tập trung triển khai việc thông tin tuyên truyền về có khả năng phải xả lũ hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực ven sông.
Bên cạnh đó, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và tài sản khi các hồ chứa xả lũ nhất là hệ thống đê điều, đê bối, công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông; rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động và phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu; khắc phục ngay các sự cố đê điều trong đợt mưa lũ cuối tháng Bảy vừa qua.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng cho người dân để chủ động phòng tránh và ứng phó khi hồ chứa xả lũ (neo đậu tàu thuyền, di chuyển máy móc, vật tư, hàng hóa, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp…); thông tin để người dân hiểu về tác động của việc xả lũ.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản số 76, ngày 29/5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hạ du khi hồ chứa xả lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.