Mỹ tiếp tục “đi lùi” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Chính phủ liên bang của Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa có nguy cơ rơi vào cuộc chiến pháp lý với các bang muốn thúc đẩy chính sách bảo vệ môi trường khi thông báo kế hoạch “đóng băng” tiêu chuẩn khí thải được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Khói thải từ nhà máy nhiệt điện American Electric Power ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ

Theo đề xuất do Cơ quan Bảo vệ môi trường và Cơ quan An toàn giao thông cao tốc quốc gia Mỹ công bố, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải dưới thời chính quyền Obama đã “không còn thích hợp và hợp lý” sau năm 2020. Hai cơ quan trên sẽ thu thập ý kiến công chúng và tiến hành các phiên điều trần trước khi thực hiện những thay đổi. Các quy định mới sẽ áp dụng trong giai đoạn 2021 – 2026.

Giới chức Mỹ cho biết những thay đổi về quy định này nhằm giúp giảm giá xe ôtô cho người tiêu dùng, do các quy tắc cũ khiến chi phí sở hữu xe ôtô bị “đội” thêm hàng nghìn USD và là một nhân tố khiến giá bán lẻ phương tiện này tăng lên. Tuy nhiên, những người ủng hộ quy định cũ bác bỏ lập luận trên, cho rằng quy định khí thải nghiêm ngặt đồng nghĩa với việc giảm tiêu thụ xăng dầu và giảm khí thải nhà kính đang đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Từ hồi tháng 5, một liên minh gồm 18 bang của Mỹ đã khởi kiện Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) lên Tòa thượng thẩm ở Washington về kế hoạch khôi phục các tiêu chuẩn khí thải đối với xe hơi. Vụ kiện do bang California khởi xướng nhằm bảo vệ những quy định đã được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama về mục tiêu tăng hiệu suất nhiên liệu lên mức hơn 50 dặm/gallon (khoảng hơn 4 lít/100km) vào năm 2025.

Trong một tuyên bố, Thống đốc bang California Jerry Brown nhấn mạnh các bang tham gia vụ kiện này đại diện cho 140 triệu người tiêu dùng đơn giản chỉ mong muốn “những ôtô sạch hơn và hiệu quả hơn”, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa hạn chế khí thải độc hại ra môi trường.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã có những quyết định đảo ngược chính sách về năng lượng sạch và khí thải của người tiền nhiệm với quan điểm nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Tháng 3-2017, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, trong đó yêu cầu EPA đình chỉ, xem xét lại hoặc bãi bỏ quy định từ thời cựu Tổng thống Obama liên quan đến kế hoạch năng lượng sạch.

Đạo luật Không khí sạch khi đó đã buộc EPA phải ban hành Kế hoạch Năng lượng Sạch (CPP) nhằm mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 32% lượng khí thải nhà máy điện. Tổng thống Trump cũng tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, một thành quả vô cùng quan trọng của thế giới và được coi là kỳ tích dưới thời cựu Tổng thống Obama khi những đời Tổng thống trước ông không thể làm.

Điều quan trọng là chính các doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ, từ Apple đến Tesla, từ lãnh đạo công ty nặng ký trong trong ngành hóa chất Dow Chemical đến “đại gia” dầu hỏa như ExxonMobil et Chevron hay công ty điện lực General Electric, hãng nước ngọt Coca Cola đến tập đoàn xe hơi General Motors đều phản đối việc Mỹ bỏ cuộc trong hồ sơ khí hậu và mạnh mẽ tuyên bố “đứng về phía Paris”.

Các chuyên gia kinh tế Mỹ thì cho rằng quyết định của Tổng thống Trump hoàn toàn “mang tính phản kinh tế và sai lầm về mục tiêu bảo vệ việc làm cho người Mỹ”. Chính ngành năng lượng tái tạo lại đang là lĩnh vực kinh tế tạo nhiều việc làm nhất ở Mỹ: 777.000 việc làm, cao gấp 10 lần so với công nghiệp than đá. Năng lượng mặt trời cũng là một nguồn tạo ra việc làm rất mạnh, cao hơn gấp 17 lần so với phần còn lại của kinh tế Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những cây đại thụ của nền công nghiệp Mỹ lại phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump? Đó là vì các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD để tiến hành “cuộc cách mạng năng lượng xanh”. Và đã đầu tư thì không ai muốn bị mất khoản vốn đã chi ra đó.

Nguồn: