Tính tới rạng sáng ngày 6/8/2018, ít nhất 82 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau trận động đất mạnh 7 độ Richter ngày 5/8 làm rung chuyển đảo du lịch Lombok của Indonessia.
Cơ quan chức năng cảnh báo con số thương vong sẽ tiếp tục tăng cao, vì còn nhiều người đang mất tích trong đống đổ nát. Ngoài ra, hiện có khoảng 1.000 du khách đang bị kẹt trên đảo Lombok.
Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, vào lúc 18 giờ 45 giờ địa phương ngày 5/8 một trận động đất mạnh 7 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực Bắc Lombok, Tây Nusa Tenggara (Nu/xa Ten/ga/ra), Indonesia. Vị trí tâm chấn của trận động đất được xác định nằm ở độ sâu 10km, cách khoảng 27km về phía Đông Bắc Lombok. Cơ quan này đã đưa ra cảnh báo sóng thần nhưng sau đó đã gỡ bỏ.
Ngay sau trận động đất, vào chiều tối 5/8, Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) đã triển khai công tác cứu hộ và sơ tán tại ba hòn đảo nhỏ ở phía Tây Bắc của Lombok gồm Gili Trawangan , Gili Air và Gili Meno.
Sáng 6/8, người đứng đầu Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia (BNPB) Willem Rampangilei cho biết, trận động đất nói trên đã gây ra 47 trận dư chấn trong khu vực Tây Nusa Tenggara trong đêm, khiến nhiều người dân hoảng sợ. Do ảnh hưởng của động đất, khu vực này đã bị mất điện nên đã cản trở công tác cứu hộ ngay trong đêm qua.
Hai máy bay trực thăng đã được gửi đến khu vực này để tham gia cứu hộ các nạn nhân, hỗ trợ hậu cần và bổ sung các thiết bị cần thiết. Lực lượng tham gia cứu hộ bao gồm quân đội, cảnh sát, Basarnas, Bộ Công trình công cộng, Bộ Y tế, Bộ Xã hội, các tổ chức quốc tế, tình nguyện viên và các cơ quan liên quan… Quân đội đang tiếp tục cử binh sỹ bổ sung hỗ trợ.
Trọng tâm chính của công tác khắc phục hậu quả động đất lúc này là tìm kiếm, cứu hộ và cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng, sơ tán dân đến nơi an toàn và cung cấp cho họ các nhu cầu cơ bản, đặc biệt là trợ giúp y tế, dược phẩm, hậu cần, lều và thiết bị liên lạc.
Các trường học tại ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Bắc Lombok, Đông Lombok, Mataram tạm thời đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Indonesia nằm ở “Vành đai lửa Thái Bình Dương,” nơi tiếp giáp các mảng kiến tạo địa chất nên thường xuyên xảy ra động đất cũng như núi lửa hoạt động.
* Dưới đây là những trận động đất lớn trong lịch sử thế giới:
– Ngày 23/1/1556: Một trận động đất mạnh 8 độ Richter xảy ra tại thành phố Thiểm Tây (Trung Quốc). Đây được coi là trận động đất khủng khiếp nhất thế giới khi có tới 833.000 người thiệt mạng và một khu vực rộng 840 km2 bị phá hủy.
– Ngày 13/8/1868: Một trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ở tỉnh Arica, Peru, phá hủy toàn bộ thành phố Arequipa khiến 25.000 người thiệt mạng. Sau cơn địa chấn, những đợt sóng thần cao 16m đã ập vào bờ biển.
– Ngày 28/12/1908: Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter kéo theo sóng thần cao 12m xảy ra ở dải Messina ngăn cách Sicily và Calabria của Italy khiến 80.000 người thiệt mạng và hàng chục thị trấn bị phá hủy.
– Ngày 16/12/1920: Một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra tại Ninh Hạ khiến các con sông đổi dòng chảy và nhiều ngọn núi sụp đổ. Sự tàn phá còn xảy ra đồng loạt trên bảy tỉnh tại Trung Quốc. Ước tính 200.000 người thiệt mạng trong thảm họa này.
– Ngày 1/9/1923: Một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter làm rung chuyển toàn bộ khu vực Tokyo-Yokohama, Nhật Bản. Rung chấn khiến hầu hết các tòa nhà sụp đổ và kéo theo một cơn sóng thần cao 12m. Một loạt trận hỏa hoạn diễn ra sau vụ động đất khiến 90% các tòa nhà của Yokohama bị hư hỏng nặng, khoảng 2/5 thành phố Tokyo bị phá hủy, một nửa dân số bị mất nhà cửa và khiến 143.000 người thiệt mạng.
– Ngày 31/5/1970: Trận động mạnh 7,9 độ Richter xảy ra tại thị trấn ven biển Chimbote của Peru, cướp đi sinh mạng của 70.000 người và khiến 800.000 người dân mất nhà cửa. Các trận lở đất cùng với các mảnh vỡ lao xuống với tốc độ 320 km/h từ ngọn núi Navado Huascaran phá hủy toàn bộ các làng mạc quanh đó.
– Ngày 28/7/1976: Thành phố Đường Sơn, Đông Bắc Trung Quốc, phút chốc trở thành một đống đổ nát khổng lồ sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter, khiến 500.000 người thiệt mạng. Đây được coi là trận động đất kép bởi cơn dư chấn xảy ra 16 tiếng sau cơn rung chuyển đầu tiên cũng mạnh 7,8 độ Richter.
– Ngày 21/9/1999: Xảy ra trận động đất mạnh 7,3 độ Richter ở phía Nam vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) khiến 2.400 người thiệt mạng.
– Ngày 26/1/2001: Tại bang Gujarat, Tây Bắc Ấn Độ xảy ra trận động đất với cường độ mạnh 7,9 độ Richter, làm 20.000 người thiệt mạng, hơn 500 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, các hệ thống cung cấp điện và điện thoại bị phá hủy trên diện rộng.
– Ngày 26/12/2004: Một trận động đất mạnh 9,3 độ Richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia, cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người Indonesia.
– Ngày 8/10/2005: Trận động đất 7,6 độ Richter làm rung chuyển miền Bắc Pakistan và khu vực tranh chấp Kashmir, cướp đi mạng sống của 79.000 người và khiến 3,5 triệu người mất nhà cửa.
– Ngày 15/8/2007: Một trận động đất lớn xảy ra ở khu vực duyên hải miền Trung Peru, cướp đi mạng sống của 600 người.
– Ngày 12/5/2008: Tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc xảy một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter, cướp đi sinh mạng của 87.000 người và khiến 10 triệu người mất nhà cửa. Thảm họa động đất đã phá hủy hàng triệu công trình dân sinh và xã hội, gây ra thiệt hại ước tính 86 tỷ USD.
– Ngày 6/4/2009: Một trận động đất với cường độ 6,3 độ ríchte xảy ra làm rung chuyển khu vực Aquila, miền Trung Italy, khiến nhiều ngôi nhà và công trình cổ bị sập, gần 300 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương.
– Ngày 27/2/2010: Một trận động đất mạnh 8,8 độ Richter xảy ra ở miền Trung Chile và gây ra các đợt sóng thần. Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của 800 người và khiến 1,5 triệu ngôi nhà bị hư hại. Ước tính thiệt hại vật chất trong thảm họa này lên đến 30 tỷ USD.
– Ngày 25/10/2010: Một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra với tâm chấn sâu 10 km dưới đáy biển và cách khu vực đảo Mentawai thuộc tỉnh Tây Sumatra, Indonesia đã gây ra sóng thần, làm 300 người thiệt mạng và 400 người mất tích, sáu ngôi làng bị san phẳng, 25.426 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và 4.000 người bị mất nhà cửa.
– Ngày 11/3/2011: Tại miền Bắc Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo, xảy ra một trận động đất có cường độ 9 độ Richter, với vùng tâm chấn dài khoảng 500km và rộng 200km. Trận động đất đã gây ra hỏa hoạn, lở đất, sóng thần ở nhiều nơi, làm nổ 3 lò phản ứng và cháy 1 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, gây rò rỉ phóng xạ khiến nước Nhật phải đối mặt với thảm họa hạt nhân chưa từng có. Đây là thảm họa lớn nhất tại Nhật Bản trong vòng 140 năm qua.
Trận động đất và sóng thần kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng của 15.893 người và 2.553 người mất tích và được cho là đã chết, chủ yếu tại 3 tỉnh nằm trên bờ biển Thái Bình Dương là tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima. Số người bị thương là 2.383 và số người bị nhiễm phóng xạ là 190 người. Khoảng 100.300 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần do động đất và sóng thần.
– Ngày 3/8/2014: Trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra tại thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, làm 367 người thiệt mạng và 1.881 người bị thương, phá hủy và làm hư hại 42.000 ngôi nhà.
– Ngày 25/4/2015: Trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra tại Nepal, với những đợt rung chấn mạnh ở khắp nước này và ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan, làm 3.200 người thiệt mạng và 6.500 người bị thương. Động đất đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà, nhiều ngôi đền và các công trình kiến trúc cổ ở thủ đô Kathmandu và nhiều địa phương của Nepal. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua.
– Ngày 6/2/2016: Một trận động đất mạnh 6,7 độ Richter xảy ra ở phía Nam, cách thành phố Cao Hùng của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) 39km khiến 116 người thiệt mạng và 550 người bị thương.
– Ngày 16/4/2016: Một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra tại khu vực Tây Bắc Ecuador đã cướp đi sinh mạng của 673 người và làm khoảng 6.000 người bị thương.
– Ngày 14/8/2016: Tại khu vực Arequipa, miền Nam Peru, xảy ra trận động đất mạnh 7,9 độ Richter với tâm chấn cách thành phố Chivay, thủ phủ tỉnh Caylloma 10km, khiến 337 người thiệt mạng và 1.000 người bị thương.
– Ngày 24/8/2016: Một trận động đất mạnh 6,2 độ richte xảy ra tại miền Trung Italy, cách thành phố Perugia 47 km về phía Đông Nam với tâm chấn ở độ sâu 10 km, khiến 298 người thiệt mạng và 368 người bị thương. Trận động đất mạnh cũng làm hàng chục tòa nhà bị đổ sập và hàng chục ngôi làng bị tàn phá.
– Ngày 19/9/2017: Một trận động đất có cường độ 7,1 Richter phá hủy khu vực trung tâm và phía Nam thủ đô Mexico. Tâm chấn của trận động dất này nằm ở độ sâu 51 km tại bang Puebla, miền Trung Mexico. Trận động đất đã khiến 369 người thiệt mạng.
– Ngày 7/2/2018: Một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra ở thành phố Hoa Liên của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), khiến 17 người thiệt mạng và 258 người bị thương. Động đất đã gây hư hại nhiều tuyến đường bộ, đường ống dẫn khí đốt và nhiều cơ sở hạ tầng khác; hơn 560 ngôi nhà rơi vào cảnh mất điện, 35.000 hộ bị cắt nước sinh hoạt…
– Ngày 29/7/2018: Trận động đất mạnh 6,4 độ Richter xảy ra trên đảo Lombok, cách đảo du lịch Bali khoảng 100km về phía Đông làm sạt lở hàng tấn đá và bùn đất từ ngọn núi Rinjani. Động đất không chỉ khiến hàng trăm người bị mắc kẹt tại đây, mà còn cướp đi sinh mạng của 17 người, hơn 400 người bị thương và gây hư hại hàng nghìn ngôi nhà.