Tâm thất trái và phải của nhiều người khỏe mạnh sống tại TP ô nhiễm bị thay đổi cấu trúc, trông giống như của người bị suy tim giai đoạn đầu
Nhóm nghiên cứu của Đại học Queen Mary (London- Anh) đã khảo sát 4.000 người dân Anh cư trú tại thành phố nơi có mức độ ô nhiễm cao và phát hiện dù chưa bị bệnh, trái tim của họ đã bị biến đổi và trông như tim của người bị suy tim giai đoạn đầu, chỉ vì những chất bẩn trong không khí họ tiếp xúc hàng ngày.
4.000 người này được theo dõi trong vòng 5 năm, thực hiện các xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe tổng quát, MRI, đo lường chức năng, kích thước và trọng lượng của tim. Họ cũng cung cấp cho nhóm nghiên cứu các chi tiết về lối sống, hồ sơ sức khỏe và nơi họ sinh sống.
Nghiên cứu phát hiện khi chỉ số ô nhiễm PM2.5 (các hạt ô nhiễm trong không khí) tăng thêm mỗi 10 đơn vị (10 mcg/m3) thì buồng tim con người bị mở rộng thêm 1%.
Hai khu vực bị ảnh hưởng của tim là tâm thất trái và tâm thất phải. Khi 2 khu vực này bị mở rộng, việc bơm máu khắp cơ thể của tim sẽ trở nên khó khăn hơn và lâu ngày sẽ phát sinh những bệnh, tai biến tim mạch nguy hiểm.
Mức ô nhiễm ở nhiều thành phố lớn tại Anh được cho là góp phần gây ra nhiều trường hợp trong số 2,6 triệu người đang phải sống với bệnh tim mạch, một nhóm bệnh gây ra khoảng 150.000 cái chết mỗi năm.
Giáo sư Jeremy Pearson, Phó Giám đốc Y khoa tại Quỹ tim mạch Anh, một trong các đơn vị tài trợ cho nghiên cứu, cho biết hiện nay tiêu chuẩn PM2.5 được coi là “an toàn” tại Anh là 25, trong khi theo nghiên cứu mới này, chỉ cần PM2.5 đạt 8-12, trái tim của con người đã bị ảnh hưởng.
Theo đo đạc tại London, mức PM2.5 trung bình năm 2018 là 18 đơn vị (18 mcrg/m3). Tuy nhiên, giờ cao điểm, con số có thể lên đến 60. Nhiều thành phố ở Việt Nam có mức ô nhiễm còn cao hơn. Theo dữ liệu của chuyên trang đo lường chất lượng không khí aqicn.org, đo đạc tại Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM, mức PM2.5 vào 8 giờ sáng 6-8 lên đến 114.