Chống thất thu thuế tài nguyên khoáng sản

Tại nhiều địa phương, tình trạng thất thu thuế đã và đang diễn ra. Trong khi đó, vẫn thiếu một cơ chế để giám sát sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp.

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với gần 40 loại khoáng sản như dầu khí, kim loại, than… Hiện nhiều loại khoáng sản được khai thác với quy mô lớn, tuy nhiên, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản rất hạn chế. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế tài nguyên không kể dầu khí những năm qua chỉ đạt xấp xỉ trên dưới 1% tổng số thu NSNN.

Công trường khai thác đá vôi tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên.

Nhiều doanh nghiệp chậm nộp thuế, phí

Trên địa bàn TPHải Phòng có 48 doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, chủ yếu là đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thông thường và cát làm vật liệu xây dựng.

Qua cuộc thanh tra của Thanh tra thành phố về việc thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN tại các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cuối năm 2017 cho thấy, đa số các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định về thuế, phí trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền bị các doanh nghiệp nộp thiếu, nộp chậm nhiều nhất.

Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện hết chức năng, còn buông lỏng quản lý, không thông báo kịp thời về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Cụ thể, trong 20 doanh nghiệp được thanh tra có 8 doanh nghiệp nộp thiếu, nộp chậm số tiền hơn 29,2 tỷ đồng. Điển hình như chi nhánh Công ty CP thương mại Kinh Thành được cấp phép khai thác khoáng sản đá vôi tại Thủy Nguyên, hiện chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 6,2 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư thương mại Dịch vụ Đông Kinh được cấp phép khai thác khoáng sản cát tại huyện Kiến Thụy, nợ hơn 4,5 tỷ đồng; Công ty CP thương mại Duy Linh khai thác khoáng sản cát tại huyện Cát Hải, nợ hơn 4,4 tỷ đồng…

Bên cạnh thuế tài nguyên thì phí bảo vệ môi trường cũng ít được các doanh nghiệp “quan tâm” nộp như Công ty TNHH xây dựng Hoàng Lộc, Công ty TNHH Kiên Ngọc chưa nộp đủ tiền ký quỹ bảo vệ môi trường…

Kiến nghị mạnh tay với doanh nghiệp chây ỳ

Ông Vũ Minh Tuân – Phó Chánh thanh tra TP Hải Phòng cho rằng: “Tình trạng thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan do chính sách pháp luật điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai còn bất cập. Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện hết chức năng, còn buông lỏng quản lý, không thông báo kịp thời về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Ý thức tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp còn kém, nhất là trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng bộ, chặt chẽ. Việc xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản chưa quyết liệt. và xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Số lượng vi phạm nhiều, việc xử lý còn ít, chưa đủ sức răn đe”.

Đã đến lúc Nhà nước cần có cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Cần xử lý nghiêm đối với các dự án, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn không kê khai, nộp các loại thuế, phí theo quy định, trường hợp không chấp hành đúng kiên quyết cưỡng chế, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép.

“Để khắc phục tình trạng trên, các sở, ban, ngành TP thực hiện nghiêm yêu cầu của UBND TP tại quy chế phối hợp vừa mới ban hành. Việc phối hợp cần đồng bộ, thường xuyên, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, các cơ quan quản lý đẩy mạnh tuyên truyền đến doanh nghiệp trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản”, ông Tuân nói.

Nguồn: