Du lịch sinh thái ở Việt Nam: Nhiều tiềm năng nhưng chưa bài bản

Tại Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ nhất”, nhiều nhà khoa học cho rằng tiềm năng phát triển du lịch sinh thái (DLST) của Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, cách làm chưa bài bản hiện nay làm “méo mó” du lịch sinh thái, đe dọa đến môi trường và hệ sinh thái.

Ông Lê Văn Lanh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam – phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.T

Nhiều tiềm năng

Theo Báo cáo của Vụ Quản lý Rừng đặc dụng và Phòng hộ (2017), năm 2016, các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn thiên nhiên (VQG/KBTTN) đã đón tiếp trên 2 triệu lượt khách (tăng 178% so với năm 2016). Tổng doanh thu du lịch đạt trên 114 tỉ đồng, tăng 48% so với năm 2015.

Ông Lê Văn Lanh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam – cho biết, theo nghiên cứu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vào năm 2012, Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng lớn cho phát triển DLST vì có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm, đặc hữu, nhiều hệ sinh thái đặc thù và có nhiều cảnh đẹp.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các nhóm sản phẩm DLST đặc trưng của VQG/KBTTN có thể phát triển như: Du lịch xem chim (Xuân Thủy, Tràm Chim, Mũi Cà Mau…); du lịch xem thú (Cát Tiên, Phong Nha – Kẻ Bàng…); du lịch xem rùa đẻ, lặn xem san hô (Côn Đảo, Núi Chúa, Vịnh Nha Trang…); du lịch xem bướm và côn trùng, du lịch xem ếch nhái, lưỡng cư…

Bên cạnh đó, các VQG/KBT còn có thể phát triển các sản phẩm du lịch khác như: Tham quan hang động ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; tham quan các hệ sinh thái đất ngập nước; hệ sinh thái rừng ngập mặn (ở VQG Xuân Thủy, U Minh Thượng, U Minh Hạ…) và các sản phẩm du lịch khác.

“Thêm vào đó, rất nhiều VQG/KBTTN có các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nền văn hóa đặc trưng của từng dân tộc là cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch khám phá văn hóa bản địa như: Sa Pa (Hoàng Liên), bản Pác Ngòi (Ba Bể), bản Khanh (Cúc Phương)… Đây là loại hình DLST đang thu hút, đặc biệt là khách quốc tế” – ông Lanh nói thêm.

Thiếu chuyên nghiệp, đe dọa hệ sinh thái

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch một cách thiếu quy hoạch, thiếu kế hoạch rõ ràng dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa. “Theo Báo cáo kiểm tra hoạt động DLST tại các VQG/KBTTN của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2017, có 56/61 VQG/KBTTN tổ chức kinh doanh hoạt động DLST khi chưa có Đề án phát triển DLST; 60/61 khu chưa có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật” – ông Lanh nhấn mạnh.

Còn theo tiến sĩ Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo), việc đầu tư, xây dựng phát triển các dự án kinh doanh du lịch như: Xây đường, làm cáp treo… đã chia các VQG/KBT thành nhiều mảnh, làm những nơi này trở nên hẹp đi, khiến một số loài khó khăn trong di chuyển, kiếm ăn và sinh sản. Mật độ đường giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng (cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, bán hàng lưu niệm…) không phù hợp với yêu cầu bảo tồn và yêu cầu của DLST.

“Vào các dịp lễ, tết, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 25.000 – 30.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú. Trong khi những điểm du lịch sinh thái như hang Én, hang Sơn Đoòng đòi hỏi nhà quản lý, du khách phải có ý thức bảo tồn ở mức cao nhất. Vì vậy, các dự án xây dựng cáp treo tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, VQG Bạch Mã cần phải được xin ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học và cộng đồng địa phương”.

Nguồn: