Cứ mùa mưa đến, bà con hai bên dòng Bùi giang (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại canh cánh nỗi lo vỡ đê. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Lê Viết Sơn – Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ, Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) để tìm giải pháp căn cơ, bài bản, lâu dài cho bà con nơi đây.
TS Lê Viết Sơn cũng là người trực tiếp thực hiện Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt năm 2009. Ông đã có 10 năm nghiên cứu và có nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho vùng phân lũ sông Bùi.
Là người trực tiếp nghiên cứu Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, hẳn, ông hiểu rất rõ về những đặc tính của dòng sông Bùi?
– Sông Bùi bắt nguồn từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có chiều dài khoảng 40km, đoạn thượng lưu dài 20km chảy theo hướng Tây – Đông đến Tân Trượng thì nhập với sông Tích, tiếp tục chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và nhập vào sông Đáy, tại Ba Thá. Sông Bùi, đoạn qua địa phận Hà Nội chảy qua huyện Chương Mỹ, chia huyện này thành 2 vùng là tả Bùi và hữu Bùi.
Tả Bùi với diện tích 6.500ha, số dân được bảo vệ là 75.000 người. Tuyến đê tả Bùi có chiều dài 14,7km thuộc huyện Chương Mỹ, cao độ đê 7,7 – 8,0m, mặt đê rộng 4 – 5m. Theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy, mực nước thiết kế trên sông Bùi tại Tân Trượng là 9,33m; tại Ba Thá là 8,22m. Như vậy, so với quy hoạch, cao trình đê Tả Bùi còn thiếu từ 0,5 – 1,5m.
Đề xuất kè tuyến đê tả Bùi bằng bê tông dự ứng lực
Để đảm bảo đời sống người dân lâu dài, sau đợt lũ này, TP sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT cho TP kè tuyến đê tả Bùi bằng bê tông dự ứng lực như cách các nước Hà Lan, Bỉ đã làm. Với chiều sâu 10m và cao trình trên 8m phục vụ chống lũ trong hàng chục năm, mang tính bền vững. |
Tuyến đê chính hữu Bùi có chiều dài 16,5km, cao độ đê từ 7 – 7,5m, mặt đê rộng 3 – 4m. Hiện tại chưa có giải pháp để ngăn lũ rừng ngang từ sườn núi phía Tây đổ về nên đê hữu Bùi chưa được liền tuyến mà bị ngăn cách từng đoạn bởi các tuyến đê bao. So với quy hoạch, cao trình đê hữu Bùi và các tuyến đê bao còn thiếu từ 1,5 – 2m.
Nguyên cớ vì đâu năm nay mực nước sông Bùi lại dâng cao lịch sử, vượt đỉnh lũ năm 2008, thưa ông?
– Theo số liệu quan trắc mưa từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, tổng lượng mưa trong tháng 7 trên trạm Lâm Sơn thuộc lưu vực sông Bùi là 1.075mm. Theo tính toán, lượng mưa tháng 7 tương ứng với tần suất 0,5%; vượt trung bình nhiều năm 2,6 lần. Với lượng mưa khủng khiếp, kết hợp độ dốc lớn của lưu vực sông Bùi khiến nước dồn nhanh về vùng hạ du Chương Mỹ. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt trong đợt mưa từ ngày 14 – 22/7 đạt mức 7,36m, làm tràn một số đoạn đê hữu Bùi, khiến các xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến ngập úng khoảng 2.200ha, bao gồm cả khu vực dân cư và khu vực canh tác.
Từ ngày 24 – 29/7, nước sông Bùi rút rất chậm, chỉ khoảng 5cm/ngày. Đến ngày 28 – 29/7 lại xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa 203mm, làm cho mực nước sông Bùi tiếp tục dâng cao, đạt đỉnh 7,52m tại Yên Duyệt vào ngày 30/7. Với mực nước này, khoảng 2km phía thượng lưu đê tả Bùi đã bị tràn, nhiều đoạn ở mức báo động. Đê hữu Bùi tiếp tục bị tràn trên 7km. Lũ rừng ngang khiến các khu vực đã lụt 10 ngày, nay tiếp tục bị ngập sâu hơn.
Như ông nói, vùng phân lũ huyện Chương Mỹ ngập lụt là do lũ rừng ngang, chứ không phải hồ chứa thủy điện Hòa Bình xả lũ?
– Sự cố tràn đê sông Bùi là tình huống đặc biệt, nhưng năm ngoái cũng đã xảy ra. Nguyên nhân không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, bởi từ nhiều ngày nay, hồ Hòa Bình đã dừng xả lũ. Việc nước sông Bùi lên cao là do ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về. Mưa lớn cục bộ khiến nước sông nội địa dâng cao, làm tràn đê. Mặt khác, nếu có xả lũ hồ Hòa Bình, vùng bị ảnh hưởng là khu vực hạ du của hệ thống sông Hồng, cách sông Bùi cả trăm kilomet, rất khó gây ảnh hưởng lớn.
Nghiên cứu xây dựng tường chắn ngăn nước lũ trên đê sông Bùi Bên cạnh tích cực gia cố đê sông Bùi, TP đang chỉ đạo các DN thủy lợi ngừng bơm nước vào sông Đáy để giảm áp lực cho hệ thống sông này, đồng thời, tạo điều kiện để tiêu nước sông Bùi vào sông Đáy. Về giải pháp lâu dài, Hà Nội đang nghiên cứu khả năng xây dựng tường chắn ngăn nước lũ trên đê sông Bùi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy. Việc thực hiện quy hoạch này thời gian tới sẽ góp phần giải quyết căn bản bài toán ngập lụt cho Hà Nội. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương |
Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra có liên quan tới sự suy giảm mật độ che phủ thảm thực vật tại vùng núi huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Lượng nước mưa không được giữ lại, hoặc đất no nước sau thời gian mưa kéo dài, khi có mưa cục bộ tại đây, toàn bộ lượng nước sẽ đổ vào sông Bùi gây ngập lụt các địa phương vùng hạ lưu thuộc địa phận Hà Nội.
Trong lúc chưa có giải pháp để ngăn lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về, trước mắt, Hà Nội cần phải làm gì để giảm thiệt hại khi gặp sự cố đê Bùi, thưa ông?
– Hiện tại, đê tả Bùi cơ bản vẫn được bảo vệ, nhưng cần tiếp tục theo dõi thường xuyên. Khi có lũ, phải nhanh chóng huy động lực lượng để chống tràn cho đê tả Bùi, bảo vệ vùng tả Chương Mỹ là khu vực đông dân cư, diện tích lớn. Hạn chế bơm tiêu ra sông Tích, sông Bùi, sông Đáy để lũ trên sông Bùi rút nhanh, giảm thời gian ngập lụt cho vùng hữu Bùi. Cùng với đó, các khu vực ngập lụt ở vùng hữu Bùi cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ Nhân dân vùng ngập để giảm bệnh tật, thiệt hại.
Về lâu dài, đâu sẽ là giải pháp căn cơ, bài bản, hiệu quả cho bà con vùng phân lũ Chương Mỹ, thưa ông?
– Có thể khẳng định, hiện cao trình, mặt cắt cả 2 tuyến đê tả Bùi, hữu Bùi đều chưa đảm bảo chống lũ thiết kế. Về lâu dài, để chống lũ sông Bùi, cần triển khai 6 giải pháp: Thứ nhất, cải tạo hai hồ chứa Đồng Sương, Văn Sơn để cắt một phần lũ rừng ngang. Thứ 2, cải tạo sông Bến Gò, để sau khi tràn hồ Đồng Sương, kênh xả lũ hồ Văn Sơn sẽ chuyển phần nước lũ còn lại của 2 hồ ra sông Bến Gò. Thứ 3, mở rộng lòng dẫn sông Bùi, nạo vét lòng sông đoạn từ Tân Trượng đến Ba Thá. Thứ 4, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Bùi đảm bảo chống lũ thiết kế và kết hợp làm đường giao thông. Thứ 5, khép kín các đoạn bờ bao với đê hữu Bùi để bảo vệ dân cư, kết hợp giao thông. Cuối cùng, xây dựng các khu vực chứa lũ vùng hữu Bùi để dự phòng trong trường hợp đê tả Bùi, hữu Bùi có nguy cơ tràn, thì chuyển lũ từ sông Bùi vào khu chứa lũ, vì lũ trên sông Bùi có cường độ lớn, trong khi lòng sông nhỏ, khả năng chuyển tải lũ kém.
Xin cảm ơn ông!
Sinh hoạt của người dân phải đặt trong chế độ phân lũ
Đối với vùng phân lũ huyện Chương Mỹ, việc đắp đê quây để ngăn nước không thể bảo đảm vì các đường xả của hồ nhỏ ở Hà Nội không xác định được. Nếu đã xác định đây là vùng phân lũ thì khi lũ đến buộc phải cho nước chảy vào. Vì thế, phải xác định toàn bộ sinh hoạt người dân ở vùng đó phải được đặt trong chế độ phân lũ, giống vùng phân lũ sông Đáy ở Mỹ Đức. Đó là có chính sách người dân chỉ sản xuất một vụ và chính quyền địa phương phải hỗ trợ người dân về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi; nhà ở phải được xây cao. Các quy định vùng phân lũ đã được quy định trong Luật Đê điều, phòng chống thiên tai nhưng chưa được chi tiết. Vì thế, chính quyền TP cần phải có những chính sách và giải pháp cụ thể cho từng vùng nhỏ. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Trọng Hồng |
Quy hoạch lại dân cư ven sông Bùi
Hiện nay, Nhà nước đã xóa bỏ vùng chậm lũ, duy nhất chỉ còn vùng phân lũ sông Đáy với lưu lượng lũ là 2.500m3/s. Các vùng ngập khác, Hà Nội hoàn toàn có thể quy hoạch làm đê tạm cho dân không bị ngập. Tuy nhiên, đối với những sông bé như sông Bùi, khi xảy ra lũ lớn, vẫn phải cho tràn đê vì dù có nạo vét lòng sông cũng không thể giải quyết được. Do đó, Hà Nội cần sớm quy hoạch lại vùng dân cư ven sông Bùi. Trong đó, tính toán cả phương án di dời dân khỏi vùng thường xuyên ngập úng. Trên cơ sở đó, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ven sông. Đặc biệt, cần sớm rà soát tổng thể hành lang thoát lũ, tiếp tục đầu tư củng cố hệ thống đê điều. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học |