Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhiều khu vực của tỉnh Hòa Bình xảy ra lún, nứt, nhà dân nghiêng và đổ sập xuống sông Đà. Những ngày qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hòa Bình hối hả di dời dân, vận chuyển đồ đạc của người dân đến nơi an toàn.
Sẵn sàng ứng cứu nếu xảy ra sạt lở
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, từ ngày 13/7 đến nay, miền Bắc và Bắc Trung bộ có mưa lớn. Tại tỉnh Hòa Bình, trong hai ngày 30 và 31/7, khu vực tổ 25-26 đường Cù Chính Lan, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) đã xảy ra sạt lở bờ sông Đà, làm 9 nhà bị sập hoàn toàn, 10 nhà bị sập một phần, 15 nhà bị rạn nứt.
Đường tỉnh lộ 445 thuộc khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn bị sạt ta luy dương 600 m3 đất đá, lún nứt mặt đường dài 100m, sâu khoảng 40cm, rộng nhất 20cm. Sụt lún đã tạo thành một khu vực có diện tích khoảng 300 m2 có nguy cơ trượt xuống sông Đà, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 4 hộ dân ở phía taluy âm, 3 hộ dân phía ta luy dương.
Đường 445 từ thị trấn Kỳ Sơn đi các xã Hợp Thành, Hợp Thịnh sang Ba Vì, Hà Nội hiện ách tắc giao thông. Ngoài ra, trên địa bàn xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình cũng xảy ra sạt lở, 3 nhà dân cùng trụ sở 1 doanh nghiệp bị lún sụt, 8 nhà bị rạn nứt, trong đó một ngôi nhà 2 tầng đã bị hư hại hoàn toàn.
Tuyến đường từ xóm Tháu đi xóm Vôi, xóm Bích, xóm Trụ bị sạt lở, cắt đứt giao thông. Bên cạnh đó, sạt lở cũng xảy ra ở khu vực đường 433, đường 70B thuộc khu vực đồi Mý, xóm Cang 1, 2, 3 xã Hòa Bình, TP Hòa Bình… Khu vực phía Đông đồi ông Tượng, TP Hòa Bình cũng xuất hiện các vết nứt rộng.
Vào khoảng 16 giờ chiều 30/7, một số hộ dân đường Cù Chính Lan tổ 25-26 phường Đồng Tiến phát hiện sạt lở móng nhà. Nhiều ngôi nhà cao 2-4 tầng bắt đầu nghiêng về phía lòng sông Đà phía sau nhà. Đến 18h30, một số nhà có tiếng nứt, gãy rồi trượt xuống sông. Đến 20h ngày 30/7, đã có 6 nhà dân bị lở xuống sông Đà và bị nghiêng.
Trực tiếp chỉ đạo lực lượng tham gia giúp dân di dời tài sản từ chiều 30/7, Thượng tá Lương Văn Nam-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Hòa Bình cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin sạt lở nhà dân, Ban CHQS TP đã huy động 80 cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự TP và lực lượng dân quân địa phương tham gia giúp dân di chuyển đồ đạc và canh giữ tài sản, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời túc trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp tiếp tục xảy ra sạt lở”.
Sau khi kiểm tra hiện trường, LLVT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp tiến hành di dời khẩn cấp 25 hộ dân ngay lập tức. Gần 2 tiếng đồng hồ sau lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã di dời hết người. Hầu hết các hộ đến nhà người quen, họ hàng ở tạm. Đối với hai hộ dân không có người thân ở gần, được đưa về nhà văn hóa ở tạm.
Đến nay, sau khi rà soát, cả 35 hộ bị ảnh hưởng đã được di dời sang nơi an toàn. Tài sản của người dân được đảm bảo. Về lâu dài, thành phố sẽ thực hiện giao đất tái định cư cho những hộ gia đình trong khu vực sạt lở và hỗ trợ tiền xây nhà với mức 70 triệu đồng/hộ.
Thôn Máy Giấy nằm quay lưng về phía sông Đà, các hộ dân định cư ở đây từ những năm 1970. Nhà cửa đều được xây dựng bê tông kiên cố, đổ móng vững chắc, nhưng bây giờ kết cấu trong nhà đều bị biến dạng. Các bức vách, bậc thềm, sân phơi đều xuất hiện các vết nứt kéo dài, rộng khoảng 2-3cm, thậm chí có nhà vết nứt mở rộng khoảng 10cm.
Đến chiều 1/8, vết nứt trên đường 445 tiếp tục trở nên nghiêm trọng, vết nứt có nguy cơ kéo dài thêm và ăn sâu xuống giữa nền đường, độ sâu từ 17-20cm ngày 30/7 đến nay đã lên tới 40cm, đường tiếp tục chảy xệ xuống phía sông Đà, trong khi đó phía taluy dương xuất hiện thêm hiện tượng trượt sạt, lở đất.
Thực ra, dấu hiệu nguy hiểm đối với hàng chục hộ dân nơi đây, đã bắt đầu xuất hiện từ trận mưa dài ngày trung tuần tháng 10/2017. Trong hai ngày 31/7 và 1/8, tám hộ với 24 nhân khẩu đã được lực lượng công an, bộ đội di dời đến nơi an toàn. Chính quyền đã phong tỏa hai đầu đường khu vực sụt lún, cấm tất cả phương tiện đi qua đường 445.
Nguyên nhân sạt lở đất không phải do xả lũ thủy điện
Chiều 31/7, đã đến kiểm tra hai khu vực sạt lở của tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chỉ đạo lực lượng bảo vệ khu vực bị sạt lở và không để cho những người dân quay trở lại khu vực này. Tỉnh Hòa Bình cần tập trung tạo mọi điều kiện cho người dân mất nhà có chỗ ở an toàn và đảm bảo cuộc sống bình thường.
Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh đánh giá nguyên nhân sạt lở, kiểm tra các điểm sạt lở để đề ra biện pháp khắc phục, xây dựng phương án sơ tán, bố trí lại dân cư tránh nguy cơ sạt lở.
Theo đó, Bộ TN&MT đã cử đoàn đi khảo sát thực tế tại Hoà Bình vào ngày 1/8. Sau khi khảo sát thực địa, TS Trịnh Xuân Hoà-Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), Trưởng đoàn công tác cho biết: “Cả dải đất ở tổ 25-26 đường Cù Chính Lan, phường Đồng Tiến dọc đường 6 tính từ taluy ra phía sông Đà vốn là đất mượn.
Đất khu vực này rất yếu, mưa lớn kéo dài kèm theo việc nước dâng lên cao làm cho phần chân đất bị mềm, bở, mất kết dính, không có biện pháp kỹ thuật tốt là nguyên nhân khiến nhiều ngôi nhà ở đây bị sụt lún xuống lòng sông”.
Còn sạt lở đất ở Kỳ Sơn do địa hình, theo TS Trịnh Xuân Hoà, 8 hộ dân ở xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở do nằm trên cung trượt sát bờ sông Đà. TS. Hòa cho biết: “Tại khu vực xóm Máy Giấy trong mùa mưa năm 2017 đã có hiện tượng trượt lở đất, xuất hiện một số vết nứt nhưng không lớn.
Tuy nhiên, năm nay do mưa lớn kéo dài nên hiện tượng này xảy ra mạnh hơn, làm nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Những hộ dân này nằm trên cung trượt lớn sát bờ sông, đá gốc ở khu vực này rất ít kèm theo mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến cho đất trượt lở xuống phía lòng sông”. TS Trịnh Xuân Hoà cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để đưa ra báo cáo chi tiết về hiện tượng sụt lún, sạt lở đất ở Hoà Bình.
Trước đó, vào chiều 31/7, ông Trần Quang Hoài – Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: “Tại tổ 26 phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình (Hòa Bình) có 9 nhà bị rơi xuống sông, còn 35 nhà đang trong trạng thái nguy hiểm. Toàn bộ khu phố này các nhà nằm ở khu vực bờ sông cong, ngay đằng sau cách chân đập Hòa Bình khoảng 1km nên dòng chủ lưu liên tục xói vào khu vực này.
Hơn nữa, khu vực này địa chất rất mềm yếu và dân làm nhà phần lớn là nhà kiên cố từ 2-3 tầng và xây dựng sát mép lòng sông nên khu vực này hết sức nguy hiểm không chỉ đối với 9 tòa nhà đã bị rơi xuống sông mà 35 hộ dân cũng trong tình trạng nguy hiểm. Các hộ dân cư khác đang làm nhà sát dòng sông Đà là khu vực hết sức nguy hiểm và địa phương đã có kế hoạch di dời”.