Việt Nam có gần 300 đập thủy điện lớn, nhỏ (trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý 38 công trình), hơn 6.600 hồ chứa thủy lợi, 9.300km đê.
Do đó, việc đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê trong công tác phòng chống thiên tai là công việc rất quan trọng. Bởi thiên tai đã và đang có những diễn biến dị thường không theo quy luật tự nhiên, nhất là trong tháng Tám, khả năng xảy ra 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, kèm theo các đợt mưa lớn trên diện rộng kéo dài.
Tổng rà soát, đánh giá mức độ an toàn công trình
Trước sự cố vỡ đập Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, tỉnh Attapeu (Lào), ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, qua sự cố trên, bài học lớn nhất đối với Việt Nam là hàng năm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổng rà soát, kiểm tra, đánh giá độ an toàn của công trình hồ đập trước mùa mưa lũ. Nếu công trình hồ chứa nào không đảm bảo an toàn, dứt khoát không cho tích nước và phải có biện pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, bộ, ngành, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần tổ chức tăng cường quan trắc, tính toán lượng mưa, dòng chảy để chủ động các biện pháp xử lý, ứng phó; tăng cường lực lượng trực ban và quản lý vận hành các nhà máy thủy điện để đảm bảo tính chuyên nghiệp và cung cấp đầy đủ thông tin khi có tình huống xảy ra, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề thông tin dưới hạ du nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.
Sau những đợt mưa lũ diễn biến bất thường và sự cố vỡ đập Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các thành viên tăng cường tổng kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương kịp thời có những điều chỉnh, lường trước những kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra để chủ động ứng phó với diễn biến dị thường của thiên tai trong thời gian tới.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ trên lưu vực hệ thống sông Bùi, sông Hoàng Long, thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập; tiếp tục vận hành các cống, trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước; thực hiện việc ứng phó, khắc phục mưa lũ theo “phương châm 4 tại chỗ”…
Các tỉnh có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt là: Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, khẩn trương rà soát toàn bộ các điểm nguy hiểm có thể bị sạt lở, sớm di dời người dân đến nơi an toàn; sơ tán triệt để người dân tại những nơi nguy hiểm, tuyệt đối không để người dân quay lại những nơi được cảnh báo nguy hiểm; thông tin kịp thời đến người dân và các cấp chính quyền cơ sở diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, đến ngày 2/8, huyện Chương Mỹ (thành phố Hà Nội) vẫn còn 3.683 nhà bị ngập dưới 2m; 3.241ha lúa, 587ha rau màu bị thiệt hại, 1014ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 109.465 con gia súc, gia cầm bị chết, thất lạc, 11.910m kênh mương bị hư hỏng, 12.110m đê, hồ, đập bị sạt lở. Công ty Điện lực Chương Mỹ đã cấp điện trở lại được 259 hộ/962 hộ.
Tỉnh Bắc Kạn có một người chết do sét đánh tại huyện Ngân Sơn (ông Dương Văn Minh, 21 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Khuổi Luông, xã Lãng Ngâm); 50m3 đất đá bị sạt lở tại khu vực dân cư tổ 4, phường Đức Xuân. Tỉnh Bình Thuận có 2.350ha lúa bị ngập, 11m kênh mương bị hư hỏng.