Từ chiều 30 đến ngày 31/7, có tổng cộng 7 ngôi nhà tầng kiên cố tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bất ngờ nứt toác rồi đổ sập xuống sông Đà, khiến nhiều hộ dân nơi đây trắng tay chỉ sau một đêm.
Khoảng 16h chiều 30/7, có 5 ngôi nhà tầng xây kiên cố của người dân tổ 25 và 26, phường Đồng Tiến bất ngờ xuất hiện các vết nứt gãy ngang dọc. Các vết nứt này to dần và đến 18h30 các ngôi nhà đã đổ ập xuống Sông Đà. Cùng thời điểm, khu vực này có hai ngôi nhà kiên cố khác cũng nghiêng dần về phía sông Đà. Tại khu vực trên, còn có khoảng hơn 20 ngôi nhà khác nằm trong vùng nguy hiểm, có thể bị trôi tuột xuống sông bất cứ lúc nào.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng TP Hòa Bình nhanh chóng có mặt phong tỏa hiện trường không để nhân dân đến khu vực nguy hiểm. Lực lượng chức năng cũng tiến hành sơ tán, di dời khẩn cấp 25 hộ dân và tài sản ra khu vực an toàn. Đại diện chính quyền phường Đồng Tiến khẳng định, do được di dời kịp thời nên sự việc không gây thiệt hại về người.
Những ngôi nhà kiên cố bị đổ xuống sông là những tài sản lớn nhất của họ nên sau sự việc người dân gần như trắng tay. Thậm chí, có ngôi nhà bị sập vừa được Ngân hàng định giá với số tiền lên tới hơn 6 tỷ đồng. Theo quan sát, khu vực xảy ra sạt lở và sập nhà nêu trên không có bờ kè kiên cố. Mặc dù đến ngày 31/7 nước sông Đà đã rút nhưng nguy cơ tiếp tục sạt lở là không tránh khỏi.
Ngày 31/7, ông Nguyễn Tiến Mạnh – Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) xác nhận, sạt lở khiến 35 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm nhưng cơ quan chức năng đã tạm thời đưa người dân đến nơi an toàn. Đến thời điểm sáng 31/7, có 6 nhà bị đổ hoàn toàn, 23 nhà bị nứt và sụt lún. Theo lãnh đạo UBND phường Đồng Tiến cho biết, trước mắt, lực lượng chức năng vận động các hộ đến nhà người quen, họ hàng ở tạm. Những hộ cần chỗ ở phường bố trí ở tạm nhà văn hóa.
Cũng theo ông Mạnh, năm 2017 đã có 22 hộ dân ở tổ 25-26 trong khu đất dự án đã được vận động di dời. Tuy nhiên, đối với 35 hộ dân nói trên, một phần do họ kinh doanh nên vẫn chần chừ, chưa chịu chuyển đến nơi an toàn.
Còn ông Nguyễn Thanh Huy – Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết, nguyên nhân ban đầu xác định các ngôi nhà bị sụp đổ là do mưa lũ. Theo ông Huy, hiện tượng nhà dân sụt lún xuống sông Đà đã xuất hiện từ năm 2017 nên từ năm 2017 UBND tỉnh và thành phố Hòa Bình đã có kế hoạch di dời các hộ dân ở tổ 25-26 phường Đồng Tiến đến nơi an toàn.
Liên quan đến sự việc trên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, nguyên nhân chính xác vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, khảo sát, nhưng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, không phải là do đóng mở đột ngột cửa xả lũ tại thuỷ điện sông Đà mà do trong thời gian qua tại khu vực hồ thủy điện Hoà Bình mưa kéo dài gần 1 tháng, lượng nước đổ xuống khu vực này quá lớn, hạ tầng địa chất đã “no” nước, kết cấu yếu gây sạt lở.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát hiện trường vụ sạt lở
Trưa 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến thị sát hiện trường vụ sập nhà ở phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình. Đánh giá tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, sự cố sạt lở ven sông Đà là rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề đến tài sản của nhân dân. Phó Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã chủ động di dân, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, không để người dân trong vùng nguy hiểm. Tập trung tạo mọi điều kiện cho người dân mất nhà cửa, có chỗ ở an toàn và đảm bảo cuộc sống bình thường cho người dân. Rà soát lại các vị trí dễ xảy ra sạt lở nguy hiểm, để chủ động tiếp tục di dân, không để người dân sống trong các nhà nguy hiểm. Chủ động di dân và chủ động nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ cho người dân xây dựng chỗ ở và tiếp tục theo dõi diễn biến tiếp theo. |