Lào sẽ sớm điều tra vụ vỡ đập thủy điện

Tính đến chiều 26-7, số người chết trong vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào là 27 người, 131 người vẫn đang mất tích.

Ngoài số người chết và mất tích, hiện còn 3.060 người dân của 521 hộ gia đình đang phải sống trong cảnh mất nhà. Trong cuộc họp báo chiều tối 25-7, Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulit nhận định đây là thảm họa tồi tệ nhất của Lào trong nhiều thập niên qua và cho biết ông đã ban bố tình trạng “khu vực thảm họa quốc gia” với huyện Samanxay thuộc tỉnh Champassak để mở khả năng nhận hỗ trợ từ khu vực và quốc tế.

Mưa lớn có phải là nguyên nhân?

Một nguồn tin từ Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào ngày 25-7 cho biết chính phủ sẽ sớm mở cuộc điều tra về sự cố vỡ đập dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, rà soát khả năng có sai phạm trong vụ này.

Theo nguồn tin này, việc mực nước dâng cao vì mưa lớn có thể không phải là nguyên nhân duy nhất khiến con đập này, đã hoàn thành xây dựng 90%, bị vỡ. Nhận định này trùng với nhận định của GS địa lý Ian Baird tại ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ) và là một chuyên gia về Lào rằng mưa lớn không đủ là nguyên nhân gây ra thảm họa.

“Điều quan trọng là phải thừa nhận đây không phải là thảm họa thiên nhiên. Hiện đang là giữa mùa mưa nên phải lường trước chuyện có mưa lớn. Vậy nên sự cố này là do quản lý kém” – GS Baird phát biểu.

GS Baird còn cho rằng các đối tác thực hiện dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy phải chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập cũng như các vấn đề về môi trường và xã hội ảnh hưởng đến khu vực trong mùa khô.

Người dân Lào trong một khu tị nạn tập thể. Ảnh: VCG

Giảng viên Chainarong Setthachua tại ĐH Maha Sarakham (Thái Lan) cho rằng thảm họa đã có thể được ngăn chặn nếu chủ dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn và có hệ thống phản ứng khẩn cấp.

“Đập này không vỡ vì mực nước tràn trong hồ chứa như nhiều quan chức Lào và các chủ dự án đã cố gắng biện minh. Hồ chứa không quá đầy khi một phần của con đập bị nứt vỡ và bị cuốn đi. Đây rõ ràng cho thấy nguyên nhân thực sự của thảm họa này là xây dựng không đúng cách và bên xây dựng dự án này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tổn thất” – theo ông Chainarong.

“Khả năng sai sót trong xây dựng”

Trong cuộc họp báo chiều 25-7, Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulit cho rằng nguyên nhân gây vỡ một đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại tỉnh Attapeu có thể do “mưa lớn” và “khả năng có sai sót trong xây dựng”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội đang kêu gọi chính phủ Lào xem xét kỹ lại và yêu cầu giải trình lại về nhiều dự án thủy điện đã và đang được lên kế hoạch sẽ xây dựng ở Lào.

“Trước khi vụ vỡ đập xảy ra, đã có rất nhiều người dân di dời đi nơi khác do bị ảnh hưởng của công tác xây dựng đập thủy điện hoặc bị tước mất kế sinh nhai. Khi thảm kịch xảy ra, họ lại tiếp tục bị đẩy đến cảnh khốn khó. Việc này một lần nữa nhấn mạnh tính rủi ro bên cạnh quan ngại về các ảnh hưởng xã hội và môi trường khi xây dựng đập thủy điện” – chuyên gia Maureen Harris, thuộc tổ chức Các dòng sông quốc tế, nói hôm 25-7.

Trao 200.000 USD hỗ trợ Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện

Chiều 26-7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) Lê Hoài Trung đã trao cho Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại VN Thongsavanh Phomvihane 200.000 USD.

Đây là số tiền của Chính phủ VN hỗ trợ chính phủ và nhân dân Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu của Lào vừa qua.

“Những ngày qua, lãnh đạo và nhân dân VN hết sức quan tâm, theo dõi tin tức về sự cố đáng tiếc này với sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc nhất dành cho nhân dân Lào anh em” – Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết. Ông đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân VN sẵn sàng làm những gì có thể để hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả của sự cố.

Đại sứ Thongsavanh Phomvihane hứa sẽ chuyển số tiền hỗ trợ của chính phủ VN tới chính phủ Lào trong thời gian sớm nhất, góp phần hỗ trợ đồng bào khu vực bị ảnh hưởng nhanh chóng vượt qua khó khăn.

VIẾT THỊNH

Campuchia có thể đòi bồi thường 2 tỉnh bị ngập

Bộ Nguồn nước Campuchia cho biết đập dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy của Lào vỡ đã khiến mực nước sông Sekong nước này tăng lên 11 m, gây lụt hai huyện ở tỉnh Stung Treng và bốn huyện ở tỉnh Ratanakkiri.

Tổng Thư ký Ủy ban Sông Mekong Quốc gia Campuchia Te Navuth cho biết đã đặt một số khu vực ở tỉnh Stung Treng vào tình trạng báo động cao, bắt đầu sơ tán người dân đến nơi an toàn hơn.

“Campuchia đang theo dõi rất chặt tình hình trong bối cảnh lũ ở Lào đang chảy sang phía chúng tôi qua sông Sekong” – ông Te Navuth cho biết và nói thêm rằng chính phủ Campuchia có ý định yêu cầu Lào bồi thường thiệt hại sau khi Lào xử lý ổn khủng hoảng.

PV