Sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở Lào khiến hàng trăm người mất tích và nhiều người có thể đã thiệt mạng. Nhiều người lo ngại lượng nước khổng lồ sẽ đổ về sông Mê Kông và ảnh hưởng trực tiếp tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Đập thủy điện vừa vỡ tại Lào có quy mô như thế nào?
Dự án đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy nằm trên sông Xe Kong dài 480 km bắt nguồn từ sườn phía đông dãy Trường Sơn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế chảy qua Nam Lào sang Campuchia rồi nhập vào sông Mê Kông. Dự án được phát triển trên một diện tích rộng 238ha, được cho thuê trong vòng 32 năm.
Đoạn sông trong vùng xây dựng đập có địa hình dốc, cao trình chênh nhau 800m. Các công trình đầu mối gồm đập tràn chuyển dòng và 2 đập ngăn sông: đập đất đá hỗn hợp Xe Pian cao 49m và đập đá lõi đất Xe Namnoy cao 78m.
Dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bao gồm hàng loạt đập, hồ chứa và đường ống dẫn nước nhằm ngăn chặn và điều chuyển dòng chảy trên ba sông Houay Makchanh, Xe Namnoy và Xe Pian tại tỉnh Champasack.
Lượng nước sẽ được đưa về nhà máy thủy điện được xây dựng tại tỉnh Attapeu. Cả hai tỉnh đều nằm ở phía nam Lào, giáp biên giới với Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.
Dự án này còn có một hồ chứa nước lớn trên sông Xe Namnoy, các đường hầm ngầm, đường ống dẫn nước, cùng một nhà máy điện lộ thiên với 4 tổ máy. Hồ chứa nước trên sông Xe Namnoy cao 73m, dài 1.600m và có khả năng chứa được xấp xỉ 1,043 tỷ m3 nước. Lượng nước này sẽ được lấy từ các lưu vực Houay Makchan và Xe Pian.
Dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy có giá trị 830 triệu USD. Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (viết tắt PNPC) là liên doanh chịu trách nhiệm thi công, với sự tham gia của một doanh nghiệp nhà nước Lào, một doanh nghiệp Thái Lan và hai doanh nghiệp Hàn Quốc. Đây là dự án BOT đầu tiên mà các công ty Hàn Quốc đảm nhiệm tại Lào.
Trong số các đơn vị thi công có công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam – CMVietnam. Đăng tải trên trang web của mình, CMVietnam cho biết, công ty này đã ký hợp đồng với Tổng thầu SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) thi công gói 9 với giá trị hợp đồng là 7,9 triệu USD, có thời gian thi công là 3 năm.
Công trình này được khởi công xây dựng từ tháng 2/2013, dự kiến hoàn thành từ tháng 3/2018. Theo ước tính, sản lượng điện hàng năm của dự án xấp xỉ 1,860 GWh.
Thông tin trên trang web của PNPC cho biết, 90% sản lượng điện sản sinh từ dự án sẽ được bán cho công ty điện EGAT Thái Lan theo thỏa thuận mua bán kéo dài 27 năm, và 10% còn lại sẽ được bán cho công ty điện EDL của Lào. PNPC sẽ điều hành và quản lý dự án trong 27 năm sau 5 năm thi công. Sau đó, quyền quản lý sẽ được chuyển giao cho chính phủ Lào.
Ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Trong cuộc trên báo Người Lao Động tối 24/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, thông tin, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tìm hiểu cho thấy: “Đây là chiếc đập đang trong quá trình thi công. Dung tích thiết kế là 1,034 tỉ m3 chứ không phải 5 tỷ m3 như các báo đưa. Đang được thi công và đã bắt đầu tích nước. Tuy nhiên, lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định được nên chưa thể có thông số chính xác”.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết các cơ quan khoa học của Việt Nam đã tính toán lưu lượng nước về từ thủy điện chặn dòng. Theo đó, các nhà khoa học đánh giá: “Khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay” – ông Thắng cho biết và các nhà khoa học vẫn đang giám sát chặt.
“Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian nước từ thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày” – ông Thắng nói.
Ông Thắng đánh giá: “Với các dữ liệu lưu lượng nước về hiện nay, thủy điện này mới chỉ tích được khoảng trên 500 triệu m3 và khi về đến Việt Nam, có thể chỉ làm dâng thêm 5 cm ở khu vực Tân Châu, Châu Đốc. Đây là kịch bản tính sơ bộ, còn hiện tại các cơ quan đang giám sát chặt diễn biến sự cố này để có ứng phó kịp thời”.
Trong khi đó, trao đổi với báo PL TP.HCM, TS. Đào Trọng Tứ, chuyên gia mạng lưới sông ngòi, cho hay, theo tính toán thì với 500 triệu m3 nước xả ra từ sự cố đập thủy điện, mực nước tại hệ thống sông Cửu Long ở nước ta có thể lên khoảng 4-5 cm so với mực nước hiện tại ở sông Hậu tại châu Đốc.
Như vậy, sự cố tại đập thủy điện tại Lào không ảnh hưởng nhiều tới lưu vực sông Cửu Long của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Ủy hội sông Mê Kông đang theo dõi và tính toán thêm các số liệu thực tế.
Một chuyên gia về khí tượng lưu ý, sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào không ảnh hưởng nhiều song đáng quan tâm là đợt lũ sắp xảy ra tại ĐBSCL vào cuối tháng 7 mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo.