Người Xtiêng là cư dân có mặt sớm trên vùng miền Đông Nam Bộ. Theo các nguồn sử liệu, trước khi lưu dân Việt đến sinh sống trên vùng đất miền Đông Nam Bộ thì cư dân Xtiêng cùng các nhóm người Chơro, Mạ, Cơho, M’nông đã từng cư trú. Chính vì vậy, người Xtiêng và những nhóm cư dân trên được xem là cư dân bản địa/cư dân gốc, cư dân tại chỗ. Hiện nay, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai có người Xtiêng sinh sống khá đông đảo.
Người Xtiêng có một số tên gọi khác như: Xa Điêng, Bù lơ, Bù Đek, Bù Biêt, Bù Đip, Bù Lâp…Tên gọi chính thức của dân tộc này được định danh trong Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam là Xtiêng, số thứ tự là 22 xếp theo số lượng cư dân. Theo số liệu thống kê năm 2009, dân số Xtiêng có: 66.888 người.
Hiểu rừng
Đầu thế kỷ XX, vùng miền Đông Nam Bộ vẫn còn những cánh rừng liền khoảnh, bạt ngàn trải dài, diện tích lớn. Trong đó có những khu rừng già, rừng nguyên sinh nhiệt đới với nhiều hệ động vật, thực vật phong phú.
Nguồn động vật hết sức dồi dào cả về số lượng cũng như các loài, gồm có cả các loại thú lớn quý hiếm và các loại thú nhỏ như: Voi, tê giác, trâu rừng, nai, mển, khỉ, heo rừng, gà rừng…Ngoài ra còn nhiều loài bò sát cũng như các loài chim rừng.
Vùng miền Đông Nam Bộ có nhiều sông (sông Bé, sông Đồng Nai, sống La Ngà, sông Buông…), suối, ao hồ tự nhiên với diện tích và trữ lượng nước khá lớn. Hệ thống sông, suối, hồ, bàu ở Đông Nam Bộ không chỉ cung cấp nguồn nước mà còn có thủy sản vô cùng phong phú, đa dạng.
Cũng như các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở Đông Nam Bộ, dân tộc Xtiêng có cách ứng xử phù hợp với thiên nhiên trong cư trú, sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên từ thiên nhiên. Qua thời gian sinh sống lâu dài, cư dân người Xtiêng đã hình thành nên được những phong tục, bản sắc đặc sắc của cộng đồng trong ứng xử mới môi trường tự nhiên. Người Xtiêng khai thác sử dụng tự nhiên để phục vụ, đáp ứng trong quá trình sinh sống của cộng đồng qua nhiều thế hệ.
Hoạt động khai thác các nguồn lợi động vật từ tự nhiên của người Xtiêng thường tập trung vào các loại thú rừng chủ yếu là: Heo rừng, gà rừng, nai, mễn, kỳ đà, các loại chim.…Đây là các loại thú vừa và nhỏ đồng thời có sống lượng lớn cả về chủng loại cũng như về số lượng nên việc khai thác săn bắt có phần dễ dàng hơn so với các loại thú lớn.
Để săn bắt thú rừng, người Xtiêng có kinh nghiệm trong nắm bắt đặc điểm, quy luật sinh sống của từng loài thú.
+ Nhận biết tập quán động vật qua loại trái, lá rừng
Heo rừng là loại động vật rất thích ăn trái cầy chín. Vì thế, khi rừng vào mùa trái cầy chín thì lúc đó cũng là lúc người Xtiêng săn bắt heo rừng. Chồn là loài động vật rất ưa thích ăn trái Cà ua, vì thế muốn săn bắt được loại thú này, người Xtiêng thường đặt bẫy những địa điểm có cây Cà ua nhiều trái vì chồn thường đến tìm thức ăn. Nai, mển là thú thích ăn các chồi lá non. Vì vậy, người Xtiêng đặt bẫy hoặc phục núp nơi có nhiều cây xanh nhiều chồi non để săn bắn.
+ Nhận biết thú qua dấu vết thú để lại
Heo rừng là loại động vật có đặc tính dùng mõm để đào ủi tìm kiếm nguồn thức ăn nên chúng sẽ để lại những dấu vết trên mặt đất. Người Xtiêng đi săn lần theo những dấu vết này để săn bắt chúng.
+ Xác định thú qua chất thải (phân)
Chồn trong quá trình di chuyển tìm kiếm nguồn thức ăn thường xuyên để lại phân trên đường đi. Người Xtiêng đi săn lần theo dấu phân này để tìm nơi trú ẩn của nó.
+ Nhận biết qua dấu vết nguồn thức ăn
Khỉ, heo rừng, chồn là loài động vật thường xuyên ra nương rẫy ăn các loại hoa màu của con người trồng. Chính vì vậy mà khi phát hiện trên nương rẫy có dấu vết của các loại hoa màu bị các loài vật này ăn thì hôm sau có thể tiến hành đặt bẫy tại nơi chúng đến.
+ Nhận biết thú qua mùa vụ cây trồng
Khi mùa bắp cho thu hoạch cũng chính là mùa các loài động vật rừng như: Khỉ, Heo rừng hay các loài chim thường xuyên đến phá hoại mùa màng. Do vậy, đây cũng thời điểm người Xtiêng săn bắt hay đặt bẫy thú rừng trên nương rẫy.
+ Nhận biết đặc tính của con vật
Đối với gà rừng chỉ có thể săn bắt vào mùa nắng. Khi mùa nắng đến cũng là mùa sinh sản của gà rừng. Vì vậy, gà trống, gà mái thường xuyên xuất hiện đi tìm bạn tình để giao phối ghép đôi. Trong quá trình tìm bạn tình, gà trống sẽ thường xuyên cất tiếng gáy nhằm thu hút sự chú ý của gà mái quanh khu vực chúng xuất hiện. Người Xtiêng đi săn sẽ tìm đến nơi gà trống ở hoặc gáy để đặt bẫy hay săn bắn.
Mùa săn
Cung tên (ná, nỏ) là vũ khí được người Xtiêng sử dụng khá phổ biến, đặc biệt đối với đàn ông trong đi săn. Những người đi săn nắm biết hoặc tìm đến chỗ thú hay trú ở hoặc đi ăn, tụ tập mà phục bắn. Những người đi săn với loại vũ khí này thường là những tay thiện xạ, bắn giỏi. Họ lựa thế để bắn váo con thú khi chúng mất cảnh giác.
Tên đi săn thường được tẩm một loại dược chất do họ chế biến. Đây là loại chất độc có tính gây tê được người Xtiêng chế từ cây rừng. Chỉ cần mũi tên trúng hoặc sướt nhẹ vào con thú thì lượng chất độc này sẽ khiến con thú không kiểm soát được, tê liệt và bị bắt.
Trong môi trường tự nhiên, người Xtiêng vừa nắm bắt nắm bắt tập tính của loài thú theo từng mùa mà còn chế tạo ra những loại bẫy như: Bẫy kẹp, hố, bẫy thắt cổ, bẫy đạp, bẫy ống, bẫy cung tên, bẫy lò xo…kết hợp với điều kiện tự nhiên rất độc đáo.
Người Xtiêng đặt bẫy nơi thú tập trung, nơi các luồng lạch mà chúng có thói quen sử dụng. Đặc biệt, về cách thức săn thú sử dụng bẫy của người Xtiêng rất tinh vi, hiệu quả. “…Bẫy: Gồm có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là hai loại: Bẫy bằng ống lồ ô đối với các con thú nhỏ như: chuột, chồn, sóc, chim…
Và bẫy hố đối với các con thú lớn như: Hươu, nai lợn rừng. Người Xtiêng có cách làm bẫy rất độc đáo: “Thú nhỏ: dùng một ống lồ ô to, khoét lỗ, trong kẹp một thanh sắt để khi thú chạy qua thì bị kẹp chân. Bẫy được đặt ngoài ruộng, trên rẫy hoặc bìa rừng, nơi có nhiều hang hay dấu chân thú.
Thú to, đào hố rộng, dưới hố dùng dây rừng thắt lại làm bẫy thòng lòng để thú rơi xuống thì dây kéo cột lại không lên được, trên miệng hố dùng một số cây mục gác ngang dọc, phủ trên ngụy trang bằng một số lá khô rừng, đào bẫy nơi có nhiều bụi rậm, hoặc nơi có nhiều dấu chân thú, bẫy tránh người bằng cách khắc dấu trên cây, tạo tín hiệu chung.
Quanh năm, những ngày nông nhàn họ tiến hành săn bắn, vào lúc chiều và tối họ bắt đầu săn, bắt, bẫy thú. Người dân thường làm các tum nhỏ náu mình, đặt bên cạnh rẫy và ngồi chờ thú đến rẫy bắn.
Mùa săn thường bắt đầu vào mùa khô, các thú vật tập trung ở những khu vực có đồng cỏ, sông suối, ao hồ. Người Xtiêng thường tổ chức săn tập thể vào thời điểm này. Họ bố trí các bẫy, hầm…, rào ngăn các đường đi của thú, sau đó đánh mõ, đốt lửa đuổi thú hướng vào những cạm bẫy, hầm đã chờ sẵn. Một thứ không thể thiếu trong chuyến đi săn này là chó săn, họ thuần dưỡng chó săn rất tốt, đôi khi họ chỉ cần đánh mõ, kêu la, bầy chó săn sẽ đuổi thú hướng về phía bẫy cần thiết” .
Về săn bắn tập thể, nhà nghiên cứu Phan An cho rằng: Trước đây, người Xtiêng có hình thức săn bắn tập thể. Những cuộc đi săn tập thể được xem là ngày hội của bon, sóc. Mọi người trong bon sóc hào hứng tham gia, chuẩn bị vũ khí như cung tên, giáo mác, chà gạc và lương thực.
Những thú rừng săn được sẽ được mổ thịt ngay tại chỗ. Thịt thú được xẻ thành từng phiến, sấy hoặc phơi khô đem về nhà làm lương thực dự trữ.
Trong cách đi săn vây tập thể, người Xtiêng dùng đến loại chó săn do mình thuần dưỡng và huấn luyện. Trong thời gian gần đây, người Xtiêng có sử dụng một số loại súng từ các tộc người khác. Nhưng người Xtiêng rất tiết kiệm đạn dược, họ chỉ sử dụng săn bắn các loại thú lớn như voi, tê giác, còn cung tên vẫn tiếp tục sử dụng phổ biến như trước .
Trong khai thác động vật rừng, người Xtiêng luôn quan tâm đến việc bảo vê và duy trì thú vật. Họ không săn bắt thú vào mùa chúng có chữa, sinh sản; không săn bắt những con thú còn nhỏ, không phá nơi chúng ở như hang, tổ, hốc cây, kẽ đá…