Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 18/7, tại khách sạn Oberoi ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA), Trung tâm Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) và Tổ chức hàng hải quốc gia Ấn Độ (NMF) đã đồng tổ chức Hội thảo ASEAN-Ấn Độ về kinh tế biển xanh lần thứ hai.
Hội thảo có sự tham dự hơn 60 đại biểu gồm các quan chức chính phủ, học giả, nhà nghiên cứu từ các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.
Phát biểu với vai trò đồng chủ tịch Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế biển xanh trong phát triển thế giới và khu vực; khẳng định Việt Nam cũng như các nước ASEAN coi hợp tác hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên với Ấn Độ, trong đó kinh tế biển xanh là một lĩnh vực triển vọng để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Phát huy thành công của Hội thảo ASEAN-Ấn Độ về kinh tế biển xanh lần thứ nhất được tổ chức tháng 11/2017 tại Nha Trang, Đại sứ đề nghị các đại biểu có những đề xuất cụ thể, hướng tới thúc đẩy hợp tác kinh tế biển xanh trong khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ; tăng cường kết nối hàng hải trong khu vực, trong đó mong đợi sớm kết thúc đàm phán Hiệp định vận tải hàng hải ASEAN-Ấn Độ; đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, kiến tạo môi trường thuận lợi để hợp tác, phát triển bền vững.
Trong khi đó, Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran khẳng định Ấn Độ coi trọng mối liên kết hàng hải lâu đời giữa Ấn Độ với các nước thành viên ASEAN. Bà Saran cho rằng kinh tế biển xanh là cách thức để các nước ASEAN và Ấn Độ cùng phát triển kinh tế một cách bền vững với biển là trọng tâm trong hợp tác giữa hai bên.
Trong 10 năm tới, Ấn Độ sẽ dành 190 tỷ USD để phát triển kết nối giữa các cảng biển của nước này với 27 khu vực phát triển kinh tế mới và mời các nước ASEAN xem xét tham gia dự án này, bước đầu tập trung vào một số dự án cụ thể về các đặc khu kinh tế bờ biển, tham vấn đầu tư, vận tải biển và du lịch biển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy kinh tế biển xanh như tăng cường quản lý bờ biển, giảm thiểu đánh bắt cá trái phép, quản lý khai thác vùng biển… đi đôi với đảm bảo cuộc sống của người dân ven biển thông qua tạo việc làm, giảm thiểu đói nghèo, nâng cao mức sống và đảm bảo công bằng xã hội.
Tiến sỹ Prakash Chauhan, Giám đốc Viện Viễn thám Ấn Độ, cho biết nước này hiện đang sử dụng công nghệ viễn thám hiệu quả, phù hợp để hỗ trợ kinh tế biển xanh, trong đó sử dụng các thông tin vệ tinh như tốc độ gió mặt nước, nhiệt độ và dòng chảy nước biển, mật độ sinh vật phù du trong nước biển, để dự báo thời tiết, dự báo thảm họa thiên tai, bảo vệ môi trường biển, xác định các vùng nước biển phù hợp cho đánh bắt cá và du lịch.
Ngoài ra, tiến sỹ M. A. Atmanand, Giám đốc Viện Công nghệ Đại dương Ấn Độ, cũng cho biết Ấn Độ có thể chia sẻ và áp dụng tại các nước ASEAN nhiều công nghệ năng lượng mới hoặc năng lượng tái tạo triển vọng như công nghệ sinh học biển, công nghệ nhiệt điện khử muối, công nghệ năng lượng dòng chảy, công nghệ khai thác năng lượng khí gas hydrate.
Tiến sỹ Prabir thuộc Trung tâm RIS đề xuất tăng cường kết nối, đặc biệt là thúc đẩy thuận lợi hóa vận tải biển thông qua một mạng lưới cảng biển ASEAN-Ấn Độ, đầu tư cơ sở hạ tầng biển, phát triển các đặc khu kinh tế bờ biển và liên kết các kế hoạch công tác về kết nối.
Nhiều diễn giả cũng cho rằng an ninh hàng hải là điều kiện thiết yếu để phát triển kinh tế biển xanh, trong đó bao gồm nhiều yếu tố như đảm bảo hòa bình và an ninh trên biển; độc lập và chủ quyền quốc gia; an ninh của các phương tiện liên lạc hàng hải; phòng chống ô nhiễm môi trường; và bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều đóng góp từ các diễn giả của ASEAN và Ấn Độ, đề xuất một số lĩnh vực hai bên có thể hợp tác về kinh tế biển xanh, tập trung vào kết nối, an toàn và ngoại giao hàng hải cũng như sự hỗ trợ của công nghệ trong hợp tác biển.
Các đại biểu bày tỏ mong muốn tiếp tục có những hoạt động trao đổi về kinh tế biển xanh, hướng tới xây dựng và thực hiện những kế hoạch và dự án cụ thể giữa ASEAN và Ấn Độ.