Phòng chống xói lở bờ biển Nam miền Trung: Bài cuối – Tiến hành đồng bộ và toàn diện các giải pháp

Do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên trong những năm qua, công tác phòng chống xói lở bờ biển ở các tỉnh, thành phố ven biển nói chung và 4 tỉnh Nam miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên nói riêng còn thụ động, thiên về giải quyết tình huống, thiếu những căn cứ khoa học tin cậy.

Đến nay, các kết quả nghiên cứu đã cho phép đề xuất và hoàn thiện dần các giải pháp phòng chống phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Trước hết, cần phải có ngay những giải pháp cấp bách và có tính chiến lược lâu dài phòng chống xói lở dải bờ biển từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Định hướng chiến lược

Qua kết quả nghiên cứu về thực trạng xói lở dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên, các nhà khoa học Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng, trước hết phải xác định chiến lược phòng chống tầm vĩ mô trong tổ chức lãnh thổ và quy hoạch phát triển vùng. Trong đó xác định các phương án và giải pháp ứng xử thích hợp. Đồng thời xác định mục tiêu, nội dung cụ thể và mức độ ưu tiên phòng chống xói lở bờ biển trong quản lý dải ven biển. Việc quy hoạch bảo vệ bờ biển đi đôi với tiến hành theo dõi, giám sát và đánh giá để rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh phương án và giải pháp.

Bờ kè tại các resort bị sạt lở do sóng biển xâm thực những ngày qua tại biển Cửa Đại (Quảng Nam) (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Cần coi trọng thực hiện các giải pháp phi công trình, như theo dõi diễn biến xói lở bờ biển bằng hệ thống quan trắc, giám sát định kỳ, thông tin cảnh báo, dự báo kịp thời đến người dân; tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức bảo vệ đê, rừng chắn sóng và thiết lập một vành đai chỉ giới cho quy hoạch dân cư, khu kinh tế biển. Mặt khác, ưu tiên xây dựng các công trình kết hợp với nhiều lợi ích giữa phòng chống xói lở với phát triển giao thông thủy, bến cảng, phân lũ, đẩy mặn. Nhất là chú trọng kết hợp phòng chống xói lở bờ biển với bồi lấp cửa sông.

Bên cạnh việc áp dụng các giải pháp phòng chống hiện đại của thế giới, phải xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện của nước ta. Xây dựng các giải pháp công trình cho từng cửa sông, tuyến luồng và đoạn bờ cụ thể và tổng kết thành các mô hình tiêu biểu có thể ứng dụng rộng rãi. Tiến hành thử nghiệm nhằm hoàn chỉnh giải pháp công trình mềm nuôi bãi bồi cho khu trọng điểm, kết hợp cùng giải pháp công trình cứng và mềm bảo vệ bền vững, lâu dài cho các đoạn bờ biển xung yếu.

Cơ quan chức năng cần sớm hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý tai biến xói lở bờ biển. Lập bản đồ cảnh báo tai biến này cho các địa phương có biển để có kế hoạch ngăn ngừa, phòng chống; đi cùng với việc thành lập mạng lưới quan trắc, giám sát thiên tai xói lở định kỳ, trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan khoa học Trung ương và các đơn vị kỹ thuật địa phương, nhằm phát hiện và cảnh báo sớm để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Chú trọng cả 2 giải pháp

Tại Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 10 tổ chức trong tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học chuyên ngành cho rằng, hiện có 5 giải pháp công trình phòng chống xói lở bờ biển được áp dụng phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay. Đó là nuôi bãi nhân tạo; trồng rừng ngập mặn; mỏ hàn dọc bờ; đê chắn sóng xa bờ; giải pháp công trình tổng hợp ngăn cát, giảm sóng. Dựa trên điều kiện tự nhiên, các quá trình thủy thạch động lực…Những giải pháp mang đến hiệu quả cao cho dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên trước hết là giải pháp nuôi bãi nhân tạo. Cụ thể là đưa cát từ các bãi bồi cửa sông, hoặc từ phía ngoài đới sóng ở độ sâu trên 10m đến bồi đắp vùng bãi bị xói lở.

Tiếp đó là xây dựng đê chắn sóng từ ngoài bờ và song song với đường bờ dạng đê nhô hay đê ngầm. Xây dựng hệ thống mỏ hàn ngăn bùn cát dọc bờ, mỏ hàn hướng dòng. Xây dựng hệ thống mỏ hàn chữ T ngăn dòng bùn cát dọc bờ và giảm sóng. Còn đối với khu vực bị xói lở mạnh, bờ biển hở, áp lực sóng lớn, dòng chảy tiêu lớn thì nên sử dụng công trình tổng hợp bằng hệ thống mỏ hàn chữ T, hoặc công trình mỏ hàn kết hợp với đê chắn sóng ở phía ngoài tại độ sâu từ 2,5-5m.

Về các giải pháp phi công trình, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương về các tai biến thiên tai và các nguyên nhân gây xói lở bờ biển, các cơ quan chức năng tại các địa phương phải theo dõi diễn biến xói lở bờ biển về quy mô, cường độ, hướng chuyển dịch theo định kỳ và không định kỳ tùy thuộc vào thực tế. Đi đôi với việc xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát sạt lở theo địa bàn huyện, tỉnh, bao gồm cả bản đồ hiện trạng, bản đồ dự báo, cảnh báo khả năng xói lở. Tất cả các thông tin về xói lở phải được cập nhật thường xuyên, phải được phân tích, đánh giá tổng hợp trên quan điểm hệ thống cảnh báo kịp thời, được lưu giữ bằng thông tin địa lý (GIS).

Bên cạnh đó, những thông tin cảnh báo, dự báo về xói lở được thông báo kịp thời đến người dân, phát lệnh cấp báo trong trường hợp khẩn cấp, thông qua mạng thông tin quản lý kiểm soát xói lở được kết nối giữa cơ quan quản lý với cơ quan nghiên cứu khoa học và cộng đồng dân cư.

Những khu vực đã có đê, kè thì cần tổ chức bảo vệ và lên phương án ứng cứu, khắc phục khi có sự cố. Đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội theo tỉnh và vùng lãnh thổ. Từ đó khoang vùng nguy cơ xói lở với mức độ khác nhau để bố trí hợp lý các tụ điểm dân cư, công trình dân sinh, kinh tế. Đặc biệt là tổ chức tốt công tác di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm dưới hình thức di dời vính viễn theo kế hoạch quy hoạch; di dời tạm thời khi có cảnh báo và di dời khẩn cấp khi có cấp báo.

Nguồn: