Việc đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch tại TP HCM đang “tắc” bởi cơ chế hỗ trợ và duy trì hoạt động cho loại phương tiện này còn nhiều bất cập.
Từ năm 2014, theo kế hoạch đầu tư mới 1.680 xe buýt, TP HCM đặc biệt khuyến khích đầu tư sử dụng nhiên liệu sạch – xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) – với cơ chế vay ưu đãi tối đa được ban hành. Thế nhưng, đến nay, trên địa bàn TP rất ít doanh nghiệp (DN) cùng HTX sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch, DN nào đã đầu tư thì lại không muốn đầu tư thêm.
Mua xe đắt lại khó bán
Nguyên nhân việc đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch bị “tắc” là do cơ chế trợ giá và các chính sách hỗ trợ trong việc duy trì hoạt động đối với loại xe này đang có nhiều bất cập. Theo một số DN vận tải, chi phí đầu tư và quá trình duy trì hoạt động của xe buýt nhiên liệu sạch cao hơn nhiều so với sử dụng dầu diesel nhưng việc trợ giá lại đang áp dụng tương đương nhau. Trong điều kiện tiền trợ giá có xu hướng giảm, lượng khách đi xe buýt lại không đồng đều, những bất cập trên khiến các DN và HTX xe buýt tại TP không còn mặn mà đầu tư, thậm chí nhiều DN cho biết đã từ bỏ ý định đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch.
Ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP, cho biết dù có nhiều ưu đãi trong vốn vay nhưng việc đầu tư 1 xe buýt nhiên liệu sạch, chi phí tốn từ 2,2 tới 2,75 tỉ đồng (tùy loại), gấp gần 2 lần so với đầu tư xe chạy dầu diesel. Chưa kể, chi phí sửa chữa xe sử dụng nhiên liệu sạch cũng cao hơn nhiều so với xe chạy bằng dầu diesel bởi phụ tùng của loại xe này đều phải nhập khẩu. Không chỉ vậy, trên địa bàn TP hiện chỉ có 4 trạm nạp nhiên liệu CNG, lại đặt ở khu vực xa trung tâm là các quận 12, Thủ Đức, Tân Bình và huyện Bình Chánh. Vì vậy, các xe khi nạp loại nhiên liệu này không chỉ bất tiện, tốn nhiều thời gian mà còn tăng chi phí. Những vấn đề trên, DN tự chịu.
Trước những bất cập này, có DN cho biết đã chấp nhận chịu lỗ để bán xe nhưng lại… không dễ. “Trường hợp các xe sử dụng dầu diesel hoặc xăng, khi cũ có thể bán qua các địa phương khác. Riêng loại xe CNG thì rất khó, thậm chí không bán được vì nó dính đến nơi nạp nhiên liệu, chỗ thay thế phụ tùng. Vì vậy, nhiều người khi đã đầu tư, dù lỗ vốn nhưng vẫn phải bấm bụng để tiếp tục duy trì” – đại diện một DN ngán ngẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX Vận tải số 15, với chính sách hỗ trợ của TP hiện nay, các chủ xe chỉ bỏ ra 30% giá trị xe, 70% còn lại vay ngân hàng và được TP hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ lãi suất cố định 3%/năm nhưng HTX vẫn gặp khó khăn với việc trả lãi do doanh thu không ổn định mà tiền vay lại lớn.
Đại diện một HTX đã từng đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch nhận xét ngoài các yêu tố bất lợi trên, loại phương tiện này có nhiều ưu điểm. Đó là không gây ô nhiễm môi trường, chi phí nhiên liệu thấp hơn so với dầu diesel. Vì vậy, nhất thiết TP phải có cơ chế riêng trong việc trợ giá, lãi suất ngân hàng để khuyến khích đầu tư, chứ cứ như bây giờ thì DN không mặn mà.
Đang gấp rút tính toán lại
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới vẫn đang bị nhiều vướng mắc, trong đó bao gồm việc đầu tư các trạm nạp khí CNG chậm, chưa gắn với kế hoạch đầu tư xe buýt trên từng tuyến khiến tiến độ đầu tư bị ảnh hưởng. Kế đến là việc thực hiện thủ tục hỗ trợ lãi vay cho các đơn vị vận tải còn chậm nên sở đang triển khai nhiều biện pháp để nhanh chóng tháo gỡ. Cụ thể, Sở GTVT đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các trạm nạp khí CNG và có chính sách ổn định giá bán loại nhiên liệu này cho hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TP. Đồng thời, TP cũng đã thống nhất chủ trương bố trí kinh phí và đã chỉ đạo các sở – ngành sớm hoàn tất các thủ tục giải ngân hỗ trợ lãi vay đối với số xe buýt đã thay mới theo đề án 1.680 xe.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng – Sở GTVT TP, nhận định việc phát sinh những bất cập trong cơ chế trợ giá, hỗ trợ đầu tư thay mới xe buýt là do trước đây, khi xây dựng bộ định mức về đơn giá thì chưa có loại xe buýt nhiên liệu sạch! Việc đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG so với dầu diesel có chênh lệch chi phí nhưng TP khuyến khích đầu tư bởi đây là loại xe sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, ông Trung cũng nhìn nhận do chi phí đầu tư xe cao nên cần sớm ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá hoạt động phù hợp, với các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ lãi vay… “Hiện vấn đề này đã được trình TP và đang chờ xem xét để thông qua. Bộ đơn giá mới sẽ đánh giá đúng với thực tế và nhu cầu, bao gồm đầu tư phương tiện cùng các chi phí khác, khi phù hợp thì sẽ ban hành. Phấn đấu đến đầu năm 2019, các chi phí sẽ đúng theo từng chủng loại xe” – ông Trung nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH (Samco), việc sản xuất xe buýt nhiên liệu sạch, đơn vị này vẫn đang thực hiện. Bên cạnh đó, Samco cũng đang phối hợp với Sở GTVT triển khai thí điểm dự án sản xuất, lắp ráp một số tuyến xe buýt điện tại TP.
Thêm 5 vị trí đặt trạm CNG
Theo ông Trần Chí Trung, trong việc bố trí các trạm khí CNG, yếu tố quan trọng nhất là xác định vị trí đặt trạm. Theo kế hoạch, tại TP HCM có tổng cộng 19 vị trí, ngoài 4 trạm đã có, ông Trung cho biết các đơn vị đã khảo sát thêm 5 địa điểm khác. “Chúng tôi đang trình Sở GTVT xem xét để báo cáo UBND TP nhằm nhanh chóng thống nhất những vị trí này. Song song đó, đơn vị cung cấp loại nhiên liệu này cũng đang được yêu cầu phải sớm đầu tư” – ông Trung khẳng định. |