Ngày 05/7, tại khoá họp thứ 38, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/HRC/38/L.5 về biến đổi khí hậu (BĐKH) và quyền con người do Việt Nam dự thảo, Philippines và Bangladesh là đồng tác giả.
Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, với 53 quốc gia đồng bảo trợ tại thời điểm thông qua.
Nghị quyết tiếp tục mang thông điệp của Hội đồng nhân quyền về quyền con người trước các hệ lụy của BĐKH nói chung, đồng thời theo sáng kiến của Việt Nam, Nghị quyết năm nay tập trung vào nội dung thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Phát biểu giới thiệu Nghị quyết tại phiên họp thông qua các quyết định của Hội đồng nhân quyền, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve nhấn mạnh, BĐKH là mối đe dọa và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi chung tay trong các nỗ lực ứng phó với BĐKH trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, đồng thời cần xem xét vấn đề quyền con người trước tác động của BĐKH trong mối tương quan với điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước.
Đại sứ khẳng định BĐKH tác động đến mọi quốc gia, cộng đồng và mỗi người nhưng với mức độ khác nhau tùy vị trí địa lý, điều kiệu kinh tế – xã hội, giới tính… Phụ nữ và trẻ em gái từ lâu được xem là một trong những nhóm yếu thế trước tác động của BĐKH. Khi thiên tai, hạn hán hay các hiện tượng thời tiết cực đoan khác xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới.
Mặc dù vậy, vai trò tích cực của phụ nữ với tư cách là nhân tố đóng góp hiệu quả vào các nỗ lực chống chọi và giảm thiểu tác động của BĐKH ngày càng được công nhận. Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quốc tế về trợ giúp tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển để ứng phó với BĐKH.
Dự thảo Nghị quyết do Việt Nam đưa ra ghi nhận tác động tiêu cực của BĐKH đối với quyền của phụ nữ, như quyền dinh dưỡng, quyền nước sạch và vệ sinh, quyền sức khoẻ, quyền giáo dục và quyền có việc làm… Đồng thời, Dự thảo kêu gọi các quốc gia có cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ và lồng ghép yếu tố giới vào các chính sách giảm nhẹ hay thích ứng với tác động của BĐKH, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình xây dựng và triển khai chính sách ở mọi cấp độ, từ địa phương, quốc gia đến khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, Dự thảo nhấn mạnh nhu cầu trợ giúp tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển để ứng phó với BĐKH và kêu gọi tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế theo hướng này trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt. Thoả thuận Paris về BĐKH đã công nhận việc lồng ghép yếu tố giới vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách quốc gia về BĐKH đòi hỏi tập trung nhiều nguồn lực tài chính, con người cũng như công nghệ tiên tiến.
Dự thảo cụ thể hóa nội dung này của Thỏa thuận Paris từ góc độ bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Sau quá trình tham vấn trong Nhóm đồng tác giả và thương lượng tại Hội đồng Nhân quyền, hầu hết các nội dung tích cực do Việt Nam đưa ra trong dự thảo đều được thể hiện tại Nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua.
Kể từ 2014, mỗi năm Hội đồng nhân quyền đều xem xét và thông qua một Nghị quyết về BĐKH với trọng tâm từng năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư… trong bối cảnh BĐKH.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm đồng tác giả của Nghị quyết hàng năm về BĐKH tại Hội đồng nhân quyền phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.