Ngày 13/7, Nam Phi chính thức ra mắt tổ hợp kính thiên văn và thiết bị tầm soát sóng âm thanh vũ trụ đầu tiên triên thế giới với khả năng cung cấp hình ảnh rõ nét nhất về trung tâm hố đen vũ trụ trên dải Ngân hà.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, đến dự buổi lễ ra mắt tổ hợp MeerKAT tại tỉnh Northern Cape có Phó Tổng thống Nam Phi David Mabuza cùng hàng chục nhà khoa học, nhà thiên văn học hàng đầu của Nam Phi và thế giới.
Tại sự kiện thiên văn học mang tầm cỡ quốc tế này, các nhà khoa học Nam Phi đã giới thiệu những hình ảnh rõ nét thu được từ MeerKAT bao gồm trung tâm hố đen trên dải Ngân hà cách Trái Đất tới 250.000 năm ánh sáng.
Những hình ảnh này trước đó không thể thu được rõ nét vì bị che khuất bởi vô số rác vũ trụ trôi nổi trên không gian.
Tổ hợp MeerKAT là sự kết hợp giữa kính thiên văn và thiết bị tầm soát sóng âm thanh vũ trụ cho phép các nhà khoa học không chỉ nhìn mà còn nghe được những việc xảy ra trong vũ trụ vào cùng một thời điểm, khái niệm mà trước đó chỉ có trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng.
Ra đời trong vòng 6 năm dưới sự phối hợp thực hiện của các nhà khoa học Nam Phi, Hà Lan và Anh, dự án này là sự kết nối giữa trạm đặt kính viễn vọng MeerLITCH tại thị trấn Sutherland thuộc tỉnh Nothern Cape và tổ hợp 64 chảo tầm soát sóng âm thanh vũ trụ vừa được lắp đặt tại tỉnh Western Cape cách đó 200km.
Theo các nhà khoa học, kính thiên văn và thiết bị tầm soát sóng âm thanh vũ trụ sẽ được kết nối trực tiếp với nhau để cùng thu nhận các tín hiệu hình ảnh và âm thanh từ vũ trụ theo thời gian thực, qua đó giúp các nhà khoa học có thông tin chuẩn xác về các hoạt động cũng như sự vận hành của vũ trụ.
Trước đó, trong quá trình theo dõi các hoạt động trên không gian, các nhà thiên văn trên thế giới thường thu nhận tín hiệu sóng âm thanh trước và khi phát hiện những hoạt động bất thường trên vũ trụ, họ mới dùng kính thiên văn để thu nhận hình ảnh.
Khi vận hành đầy đủ vào năm 2020 tới, dự án sẽ được trang bị thêm 3.000 chảo tầm soát sóng âm thanh vũ trụ đặt tại một số nước khác trong khu vực nhằm giúp các nhà khoa học mở rộng thêm phạm vi phủ sóng trên không gian.
Hồi tháng 9/2016, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động thiết bị tầm soát sóng âm thanh vũ trụ lớn nhất thế giới tại tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam nước này.
Thiết bị trị giá 180 triệu USD này bắt đầu được xây dựng từ năm 2011. Thiết bị cùng loại và hiện có kích thước lớn thứ 2 hiện nằm ở Đài thiên văn Puerto Rico.