Năm 2016, từ nguồn vốn chương trình 30a, UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) trồng thử nghiệm 2ha cây đẳng sâm ở bản Ăng, xã Thông Thụ.
Qua gần 2 năm triển khai, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả. Đây không phải là mô hình trồng cây dược liệu duy nhất ở vùng tái định cư (TĐC) Thủy điện Hủa Na.
Đẳng sâm – một loại dược liệu quý, là cây bản địa thường mọc ở những cánh rừng nghèo tại huyện miền núi Quế Phong. Từ hàng chục năm trước, đồng bào nơi đây đã biết giá trị của loại cây trồng này và đem về trồng trong vườn nhà. Mỗi kg đẳng sâm tươi được thương lái săn lùng tại đây với giá từ 400 – 500 nghìn đồng. Loại củ to có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg.
Ông Quang Văn Huy, một trong số 12 hộ tham gia dự án trồng cây đẳng sâm tại bản Ăng cho biết: “Đây là cây bản địa, trước đây đồng bào đã tự phát đem về trồng trong vườn nhà. Nhưng việc trồng cây đẳng sâm mới chỉ để sử dụng trong gia đình, để bồi bổ cơ thể. Nay triển khai dự án có nghĩa là đồng bào vừa sản xuất, vừa bảo tồn cây dược liệu quý, vừa tham gia vào một chuỗi cung ứng ra thị trường. Nếu triển khai tốt và nhân rộng được mô hình thì bà con sẽ có thêm cơ hội để thoát nghèo”.
Về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đẳng sâm, ông Huy cho biết, khoảng tháng 11 có thể gieo hạt trong bầu và trồng vào tháng 2. Cây đẳng sâm thích hợp với môi trường có độ ẩm cao nên tốt nhất trồng ở những nơi có nguồn nước tưới thuận tiện. Hố trồng đẳng sâm có kích thước 0,4 x 0,4 x 0,25m, bón phân chuồng đã ủ hoai và một ít phân lân. Khi cây tốt, làm dàn hình chữ V để cây leo. Thông thường, 3 năm sau khi trồng cây đẳng sâm sẽ cho củ tốt nhất với trọng lượng 0,3 -0,5kg/củ. Củ càng to bán càng được giá.
Tham gia dự án, người dân được hỗ trợ giống, túi bầu, tập huấn kỹ thuật… Để chọn lựa được nguồn giống phù hợp, dự án đã đưa giống đẳng sâm Tam Đảo về trồng thử. Tuy nhiên, theo bà Lương Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ giống bản địa vẫn phù hợp nhất.
“Thực tế cho thấy, giống bản địa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. So sánh sau gần 2 năm trồng thử nghiệm, giống bản địa chống chịu hạn, chịu lạnh tốt hơn. Hiện gần 2ha đẳng sâm đang phát triển tốt, đồng bào rất muốn được nhân rộng mô hình và tìm đầu ra ổn định, lâu dài để thoát nghèo. Cây đẳng sâm có thể trồng trên rẫy cạnh những khe nước, cũng có thể trồng trong vườn nhà. Kỹ thuật trồng, chăm sóc khá đơn giản, rất phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào”, bà Hồng cho biết.
Thông Thụ là xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây dược liệu phát triển. Cũng thông qua các dự án, địa phương đang triển khai trồng cây hoàng đằng và chè hoa vàng. Đặc biệt, với cây chè hoa vàng, loại dược liệu quý này đã được người dân đem về trồng trở thành cây hàng hóa.
Ông Lô Văn Sinh, bản Hủa Na 1 cho biết: “Từ một loại cây mọc trên rừng, nay tôi đem về trồng trong vườn nhà được gần 1ha, gần 1 nửa diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Chè hoa vàng hiện có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg khô. Nhiều hộ ở đây đã ý thức được việc bảo tồn và phát triển cây chè hoa vàng, không còn như trước đây có hiện tượng đi đào rễ, gốc bán cho thương lái. Chúng tôi mong muốn, không chỉ chè hoa vàng mà các loại cây dược liệu khác sẽ được mở rộng diện tích ở vùng đất này. Kèm theo đó, khi diện tích đã được mở rộng chúng tôi sẽ được liên kết để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Còn ông Huy, người có diện tích đẳng sâm lớn nhất ở Thông Thụ cho biết thêm: “Diện tích để trồng các loại cây dược liệu ở đây còn có thể mở rộng. Tiềm năng năng suất, chất lượng dược liệu khi trồng ở vùng đất này luôn hơn hẳn nhiều vùng đất khác ở Nghệ An. Điều quan trọng là đồng bào cần được tập huấn thêm về kỹ thuật canh tác, tìm đầu ra ổn định khi có sản phẩm”.