Từ khoảng 15 giờ ngày 10/7, sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ cửa số 2, nhiều lồng cá của các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà, thuộc địa bàn xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và nhiều xã khác trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt.
Đến chiều 11/7, tình trạng cá chết vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều hộ nuôi cá lồng dọc sông Đà vẫn phải gồng mình phục hồi sản xuất sau khi chết hàng chục tấn cá và vỡ lồng do ảnh hưởng của xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình từ tháng 7/2017, nay lại một phen lao đao vì tình trạng cá chết lại tiếp diễn trên diện rộng.
Thẫn thờ nhìn đống cá chết mới được vớt lên, anh Bùi Ngọc Thanh (khu 5 xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy) cho biết nhà anh có bảy lồng nuôi cá rô phi, lăng và trắm. Cá bắt đầu lác đác chết từ chiều 10/7. Đến chiều 11/7, số cá chết đã lên đến hơn 4.000 con, chủ yếu là cá lăng, mỗi con có trọng lượng trung bình từ 1-1,5kg; không chỉ cá lăng, nhiều lồng nuôi cá trắm và rô phi cũng bắt đầu có hiện tượng cá chết lác đác. Nhiều hộ nuôi cá ở khu vực này cho biết thêm, nhiều cá trắm đen trọng lượng từ 2-3kg cũng đã bắt đầu chết chìm dưới lồng.
Gia đình anh Dương Tiến Dũng (ở khu 5, xã Xuân Lộc) hiện có 17 lồng nuôi cá lăng, rô phi, diêu hồng… Hiện nay, tình trạng cá chết rải rác đã bắt đầu xuất hiện, trung bình mỗi lồng chết vài chục con và tình trạng cá chết vẫn đang tiếp tục. Theo anh Dũng, trước khi chết, cá bơi quanh bè, nhảy lên và đơ ra rồi chết nổi bụng. Hiện tượng này cũng giống như vụ cá chết năm 2017 do thủy điện Hòa Bình xả lũ và cũng xả đáy cửa số 2.
Cạnh dãy lồng nhà anh Dũng là khu vực nuôi cá của hộ anh Đặng Văn Luyện, với 22 lồng, chủ yếu cá lăng, diêu hồng, rô phi, cá trắm… Anh Luyện cho biết, đầu buổi chiều 10/7, khi thấy nước chảy nhanh hơn, nước trong lồng sủi bọt, cá quẫy mạnh hơn và liên tục ngoi lên, gia đình bắt đầu thấy lo. Đến khoảng 15 giờ bắt đầu xuất hiện cá chết, đến 22 giờ cá chết nhiều, mỗi lồng khoảng vài trăm con. Đến sáng 11/7, số lượng cá chết ngày càng nhiều.
Thời điểm 16 giờ ngày 11/7, khi phóng viên có mặt, số cá chết trong mỗi lồng của hộ nhà anh Luyện chiếm từ 20-30%, trong đó nhiều lồng cá lăng chết đến 50%.
Anh Đặng Văn Luyện cho biết hồi tháng 7/2017, cũng vào dịp thủy điện Hòa Bình xả đáy, gia đình anh có 20 lồng cá đều chết sạch. Đến nay, ngoài hơn 1 tỷ đồng tiền thức ăn cho cá nợ tồn từ năm 2017 còn có thêm số tiền hơn 700 triệu đồng vay hồi phục sản xuất vụ cá năm nay cũng đang có nguy cơ trôi theo dòng nước.
Theo thông tin phóng viên nắm được, tại các xã như Bảo Yên, Thạch Đồng, Đoan Hạ của huyện Thanh Thủy, xã Tinh Nhuệ của huyện Thanh Sơn… các loại cá như trắm đen, chiên và ngạnh nuôi lồng cũng bị chết nhiều, người dân đã phải vớt lên và bán chạy trước khi cá chết hẳn.
Ông Thiều Minh Thế, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Thanh Thủy, cho biết Hợp tác xã hiện có hơn 340 lồng cá của 30 hộ dân. Trong đó, riêng xã Xuân Lộc có gần 150 lồng. Tình trạng cá chết bắt đầu xuất hiện từ chiều 10/7. Ban đầu cá trong lồng ngoi ngóp lên mặt nước, chết lác đác, sau đó số lượng cá chết cứ tăng dần. Đến sáng 11/7, nhiều hộ dân thức dậy đã không thể tin vào mắt mình khi hàng tấn cá đang khỏe mạnh, chuẩn bị cho thu hoạch bỗng dưng chết nổi trắng bụng, nhiều hộ có số cá chết lên đến 50%.
Có mặt tại khu vực cá chết, theo ghi nhận của phóng viên, hầu như tất cả các lồng đều có hiện tượng cá chết, bốc mùi nồng nặc. Hàng tấn cá lăng, ngạnh, trắm… trọng lượng từ 1-3kg chết nổi trắng bụng khiến người dân mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên. Nhiều hộ có nguy cơ rơi vào tình trạng trắng tay, vỡ nợ vì vay ngân hàng.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy, đập thủy điện Hòa Bình tiến hành xả 2 cửa đáy và phát điện tối đa (tổng lưu lượng xả 3.970m3/s), bắt đầu từ ngày 7/7 và đã gây ra một số thiệt hại về cá lồng trên địa bàn huyện Thanh Thủy.
Trên sông Đà hiện có tổng số 321 lồng cá, trong đó bốn lồng cá bị chết, chủ yếu là cá lăng, rô phi và diêu hồng với triệu chứng da bị sần đỏ (tỷ lệ chết hơn 70%); trên địa bàn xã Bảo Yên 2 lồng và Xuân Lộc 2 lồng. Số lồng bị ảnh hưởng là 105 lồng chủ yếu là cá trắm, rô phi và diêu hồng với triệu chứng phát ban, sần đỏ trên thân cá và bỏ ăn với tỷ lệ trên 20%.
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình để hướng dẫn bà con chủ động vệ sinh làm thoáng mặt lồng nuôi cá, di chuyển lồng vào những khu vực an toàn, hạn chế dòng nước chảy xiết, thống kê thiệt hại báo cáo Ủy ban Nhân dân xã, huyện theo quy định. Đối với những lồng cá thương phẩm đã đạt kích cỡ thì cần tranh thủ thu hoạch. Nếu cá chưa tới kích cỡ thu hoạch cần chăm sóc kỹ, cho ăn đầy đủ, đúng liều lượng, tăng cường sức đề kháng cho cá trong mùa nước lũ bằng cách trộn Vitamin C vào thức ăn, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá để có biện pháp xử lý kịp thời…
Ủy ban Nhân dân các huyện cũng hướng dẫn bà con thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối… tổ chức gia cố chắc chắn, đặc biệt là lưới lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng, tránh hiện tượng lưới bị thủng (với lồng nuôi cá trắm cỏ, cá quả… phải có lưới chắn trên mặt) để tránh hiện tượng thất thoát cá trong những ngày mưa lũ; thường xuyên kiểm tra nước trong lồng nuôi và thực hiện các biện pháp phòng trị bệnh cho cá theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy cũng đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân huyện tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết, thống kê thiệt hại, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời để ổn định sản xuất và đời sống cho người dân; hướng dẫn bà con triển khai các biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại cho những hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện.