Thanh Hóa loại hết dự án thủy điện không an toàn

Bí thư Thanh Hóa yêu cầu rà soát các dự án thủy điện trong tỉnh, loại “thẳng tay” các dự án không an toàn, gây xáo trộn lớn cho dân.

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa

Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, tại kỳ họp thứ 6, khóa XVII HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra vào sáng nay (11-7) liên quan đến hàng loạt dự án thủy điện không phát huy hiệu quả, không an toàn.

Người dân ở bản Sa Lắng, Hồi Xuân sau nhiều năm mòn mỏi chờ tái định cư vẫn chưa có hồi kết.

Ảnh hưởng lớn, chủ đầu tư báo cáo nhỏ

Tại phiên chất vấn sáng nay (11-7), liên quan đến vấn đề công tác quy hoạch, đầu tư và đời sống, sản xuất của nhân dân khi triển khai xây dựng các dự án thủy điện. Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, cho hay trên địa bàn này hiện có tới 21 dự án thủy điện được quy hoạch, trong đó có tám dự án đang ở bước lập hồ sơ xem xét chấp thuận, còn 13 dự án đã được đầu tư triển khai cho đến nay.

Tuy nhiên, việc đầu tư thủy điện ở Thanh Hóa còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân vùng dự án.

Trong khi đó, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng có những dòng sông như sông Lò, sông Mã gánh trên lưng 5-7 dự án thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích rừng, diện tích trồng lúa làm thay đổi dòng chảy và có nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét.

Thậm chí dẫn đến những hệ lụy thiếu đất sản xuất, công ăn việc làm của một bộ phận lớn người dân bị ảnh hưởng từ những dự án này. Đặc biệt, người dân các huyện miền núi có thủy điện gặp khó khăn nhiều năm qua như Thủy điện Hồi Xuân được triển khai cả chục năm trời nhưng chỉ riêng chuyện tái định cư cho 50 hộ dân nghèo ở bản Sa Lắng nhiều năm qua vẫn thấp thỏm đợi chờ tái định cư.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Lam, ban đầu những dự án được đầu tư thường báo cáo ít ảnh hưởng đến đời sống, diện tích rừng, canh tác nhưng khi triển khai lại mất đất rừng, mất đất canh tác của bà con.

Nghĩa là lúc lập dự án từ ảnh hưởng, đến sinh kế hạn chế nhỏ lại nhưng quá trình xảy ra lại lớn hơn có thể là do chủ quan của nhà đầu tư, hơn nữa Sở Công Thương thẩm tra là chưa thấu.

Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, trả lời chất vấn liên quan đến các dự án thủy điện khiến người dân mất đất, sạt lở, lũ quét.

Cũng theo ông Lam, mất đất lúa, cát lòng hồ là không thể tránh khỏi, còn chính sách tái định cư chuyển đổi nghề an sinh đã được thẩm tra, thẩm định, riêng đối với bản Sa Lắng sẽ được tái định cư trong tháng 7. Đối với các dự án thủy điện, nếu xét thấy có lợi thì xem xét chấp thuận, ngược lại không có lợi thì đề nghị tỉnh sẽ cho dừng lại.

Quan Sơn có bảy dự án thủy điện, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến hiệu quả của dự án nhưng lại chưa quan tâm đến những vấn đề đề dân sinh, môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Thủy điện nhỏ thì bỏ đi, dân mất đi vài sào đất là nguy hiểm

Tại buổi chất vấn, ông Trịnh Văn Chiến thông tin có nhiều dự án đóng góp cho lưới điện quốc gia như giải quyết được cắt lũ. Tuy nhiên, về vấn đề phê duyệt và quá trình thi công, không ai dám chắc rằng các nhà đầu tư thi công đảm bảo đối với các dự án, nếu không may xảy ra sự cố là rất nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả với những dự án thủy điện Cửa Đạt, Trung Sơn là thủy điện có nguồn vốn lớn và một số thủy điện khác trên địa bàn cũng phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Cũng theo ông Trịnh Văn Chiến, việc xây dựng các nhà máy thủy điện phải đi đôi với tái định cư, định canh cho bà con bị ảnh hưởng những dự án thủy điện. Đối với miền núi mất đi vài sào lúa, sào đất là rất nguy hiểm. Về việc này, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cần rà soát lại toàn bộ thủy điện trên địa bàn. Đối với những thủy điện có công suất quá nhỏ thì bỏ đi vì làm sao kiểm soát được quá trình đầu tư, quá trình thi công.

 

Dự án Thủy điện Hồi Xuân gần 10 năm qua vẫn chưa đi vào hoạt động, không phát huy hiệu quả có thể sẽ bị thu hồi.

“Kể cả những dự án lớn, khi rà soát lại liên quan đến vấn đề cắt lũ, không đảm bảo thủy lợi, chiếu theo quy định của Bộ Công Thương không đảm bảo thì cũng bỏ đi, vì dù có thêm vài chục MW (công suất nhà máy thủy điện) mà không yên tâm, không đảm bảo các quy định của pháp luật thì cần thiết cũng cần rút chấp thuận đầu tư… Đối với Thanh Hóa là chỉ cho nhà đầu tư lập quy hoạch, thật sự yên tâm mới được làm.

Đối với nhà đầu tư, khi lập dự án thủy điện người ta cũng chú trọng đến lợi nhuận, nếu tác động lớn thì người ta làm nhỏ đi, làm thế nào để qua được cửa các cơ quan chức năng lập quy hoạch. Có khả năng là tiếp tay, bày binh bố trận lọt qua cửa này, cửa kia rồi đưa lên UBND tỉnh để cho dự án được thông qua

Đề nghị chủ tịch UBND tỉnh giao kiểm tra, rà soát, nắm lại toàn bộ đời sống sinh kế. Tất cả khu tái định cư về sinh kế, bao nhiêu hộ đời sống là ổn, đảm bảo khó khăn, đất đai, giao thông, việc làm, nhà ở và cuộc sống của người dân.

“Đối với những dự án chưa làm và mới làm, nếu không đảm bảo đời sống cho người dân thì phải tổng kiểm tra, xem xét, rút phép nhà đầu tư ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt dự án tại Quan Hóa từ những năm khi tôi đang còn làm giám đốc Sở NN&PTNT với tinh thần là rút phép đầu tư. Trong trường hợp nếu cần thiết thì giao cho chủ đầu tư khác, không cần thiết thì rút, vài chục MW không giải quyết gì cả” – ông Chiến khẳng định.