Trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục. Cả Trái đất “nóng rực”. Các khu vực vốn ít nóng, nhiệt độ cũng tăng cao kỷ lục. Theo các chuyên gia, cường độ và tần suất của các đợt nóng tăng tới mức nguy hiểm thời gian qua được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu…
Những con số kỷ lục
Các chuyên gia cho biết, hiện tượng nóng lên trong những ngày qua tại nhiều nơi trên thế giới là kết quả của các khối không khí nóng khổng lồ đang “xoáy” quanh nửa phía Bắc của hành tinh.
Tại châu Mỹ, kể từ cuối tuần trước, nền nhiệt cao bao trùm 2/3 khu vực phía Đông nước Mỹ và phần Đông Nam của Canada. Thời tiết không chỉ nóng mà còn ẩm một cách khác thường. Một số kỷ lục đã được ghi nhận ở Canada; nhiệt độ ở Montreal được ghi nhận ở mức cao nhất trong vòng 147 năm qua là 40 độ C (trong ngày 5-7). Theo thống kê, đã có tổng cộng 17 người chết do các biến chứng liên quan đến thời tiết nắng nóng và ẩm ướt ở khu vực miền Đông và miền Trung Canada. Trong khi đó, nhiệt độ đo được tại thủ đô Ottawa của Canada trong ngày 5-7 cao nhất lên tới 47 độ C. Thành phố đã phải gia hạn thời gian hoạt động của các bể bơi và mở 7 “trung tâm làm mát”, cung cấp không gian máy lạnh và đồ uống lạnh cho người dân.
Tại châu Âu, nắng nóng đã thiêu đốt các đảo thuộc Vương quốc Anh trong tuần qua. Tại đây đã ghi nhận mức nhiệt độ lập kỷ lục cao nhất trong vòng 42 năm qua, tới gần 50 độ C, khiến đường ray xe lửa biến dạng, nhựa đường tan chảy, mái nhà cong vênh…
Trong khi đó, tại lục địa Á-Âu, tuần qua, nền nhiệt độ luôn ở mức cao chót vót kéo theo tình trạng thời tiết hết sức cực đoan. Tại Tbilisi, Georgia, ngày 4-7 nhiệt độ tăng vọt lên 40,5 độ C, mức cao kỷ lục mọi thời của khu vực này. Trong khi tại Yerevan, Armenia, ngày 2-7 nhiệt độ tăng lên 42 độ C. Nhiều khu vực tại miền Nam nước Nga cũng đang rất nóng…
Tại châu Á, trong tháng 4 năm nay, Pakistan ghi nhận mức nhiệt 50,2 độ C. Cũng tại Pakistan, hồi tháng 5-2017 ghi nhận mức nhiệt 53,3 độ C. Nhưng như thế vẫn còn thấp hơn so với mức 53,7 độ C tại Ahvaz, Iran vào cuối tháng 6-2017.
Như vậy, trong vòng 15 tháng qua, nhiều nơi trên thế giới đã phải chứng kiến một loạt kỷ lục về nhiệt độ cao, qua đó báo hiệu xu hướng đáng lo ngại về tình trạng thời tiết cực đoan.
Hậu quả từ biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia, cường độ và tần suất của các đợt nóng ngày càng tăng thời gian qua được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hằng ngày gây ra sự nóng lên của Trái đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy, như: Băng tan, nước biển dâng cao, mưa bão, lũ lụt, cho đến thiên tai có khả năng gây tàn phá quy mô lớn như động đất, sóng thần, hạn hán… Theo các nhà khoa học, chính con người với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày là một trong những nguyên nhân chính.
Những tác hại có thể nhìn thấy rõ của biến đổi khí hậu là các hệ sinh thái bị phá hủy, gây sự thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm nặng, năng lượng, nhiên liệu khan hiếm và các vấn đề y tế liên quan khác. Biến đổi khí hậu còn làm mất đi sự đa dạng sinh học. Tình trạng nhiệt độ hiện nay đang làm cho khoảng 50% các loài động thực vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Biến đổi khí hậu còn là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh và xung đột. Do nhiệt độ Trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu đã dần làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Lương thực và nước ngọt ngày càng khan hiếm, đất đai dần biến mất nhưng dân số cứ tiếp tục tăng. Đây là một trong những yếu tố gây xung đột, chiến tranh giữa các nước và vùng lãnh thổ. Theo phân tích của các chuyên gia, các quốc gia thường xuyên bị khan hiếm nước và mùa màng thất bát thường rất bất ổn về an ninh.
Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán cũng gây ra nhiều dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới. Hằng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ Trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, mất nhà cửa, cần tới chi phí khổng lồ để dọn dẹp và khôi phục cuộc sống người dân sau bão lũ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm tăng tổn thất về kinh tế; ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống người dân khi phải chịu cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các chính phủ phải đối mặt giảm sút nguồn thu…
Đã đến lúc, toàn thế giới phải thực sự nghiêm túc nhìn nhận và quyết tâm triển khai các giải pháp chống biến đổi khí hậu.