Hoạt động trong nhiều năm, báo cáo doanh thu lớn nhưng gần như không đóng góp cho ngân sách. Đó là những “vết gợn” của Nhà máy chế biến khoáng sản của DNTN Cao Bắc đặt tại Bản Tặc, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn (Nhà máy CBKS Bản Tặc).
Theo báo cáo số 228/BC-DN ngày 31/12/2017 của DNTN Cao Bắc gửi Sở Công thương tỉnh, năm 2017 DN này sản xuất được gần 1.000 tấn chì kẽm, giá trị trên 30 tỷ đồng, góp vào ngân sách 1,330 tỷ đồng. Thoạt nhìn đây là con số tương đối lớn so với một nhà máy chế biến sản phẩm tận thu từ xỉ quặng, đặt ở một bản vùng cao của huyện Ngân Sơn.
Nhưng khi trao đổi với Sở Công thương Bắc Kạn, một lãnh đạo Sở cho biết đó cũng chỉ là con số báo cáo bằng văn bản của DN, không có giấy tờ chứng minh kèm theo. Theo Sở này, thì DN đóng góp hầu như không đáng kể cho ngân sách địa phương. Con số chính xác từng khoản đóng góp thì ngành thuế mới có.
Để làm rõ các khoản đóng góp của Nhà máy CBKS Bản Tặc, Báo NNVN đã làm việc với Cục Thuế tỉnh. Qua tổng hợp chi tiết của các phòng chuyên môn, có thể khẳng định từ lúc phát sinh thuế hoạt động năm 2014 đến nay, DNTN Cao Bắc và Cty TNHH Đô Thơm (đơn vị thuê lại nhà máy của DNTN Cao Bắc để sản xuất từ ngày 1/12/2016) gần như không phải nộp khoản thuế nào từ hoạt động của Nhà máy CBKS Bản Tặc.
Cụ thể số tiền thuế, phí mà DNTN Cao Bắc đóng năm 2014 là 183,35 triệu, trong đó tiền thuê đất là 55,7 triệu, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS) là 127,6 triệu; năm 2015 là 234,58 triệu gồm 98,9 triệu tiền thuê đất, 127,6 triệu tiền KTKS, thuế tài nguyên 5,6 triệu, phí bảo vệ môi trường 2,4 triệu; năm 2016 là 226,58 triệu gồm 98,9 triệu tiền thuê đất, 127,6 triệu tiền KTKS.
Còn sang năm 2017 DNTN Cao Bắc nộp là 401 triệu, đây là số tiền tỉnh Bắc Kạn ấn định thuế khai thác đá mà DN phải nộp; 6 tháng đầu năm 2018 là 230 triệu đồng thì DN vẫn chưa nộp.
Còn đơn vị thuê lại nhà máy của DNTN Cao Bắc từ ngày 1/12/2016 đến nay là Cty TNHH Đô Thơm thì chỉ nộp được 4,56 triệu tiền thuế thu nhập DN năm 2017, dù doanh thu của nhà máy khoảng 35,3 tỷ đồng. Quý I/2018 có phát sinh 27,5 triệu đồng thuế GTGT họ đã nộp. Từ đó, lãnh đạo ngành Thuế Bắc Kạn khẳng định: Bản Tặc đã được đưa vào tầm ngắm thanh tra, kiểm tra thuế sắp tới.
Dường như ngành thuế chỉ thu được tiền hoạt động khai thác khoáng sản từ mỏ đá Bản Tặc cấp cho DNTN Cao Bắc. Vậy hoạt động của nhà máy CBKS Bản Tặc có đúng pháp luật hay không, người nước ngoài thường xuyên ở trong nhà máy này với mục đích gì? Tất cả những thắc mắc đó sẽ phải chờ các cơ quan chức năng giải đáp.