Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đang biến thành vựa phế liệu khổng lồ với hàng nghìn tấn. Hoạt động tái chế nhựa đang làm cho môi trường nơi đây ô nhiễm trầm trọng.
Theo kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, cả 12 mẫu nước mặt tại thôn Minh Khai đều vượt quy chuẩn và có tổng 88/228 thông số quan trắc vượt giới hạn cho phép.
Các chỉ số BOD5, COD, TSS đều vượt từ hơn 1 đến 7 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; riêng chỉ số NH4 vượt tới 32,5 lần mức cho phép.
Theo thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm-Tổng cục Môi trường, nguyên liệu để sản xuất tái chế tại làng nghề Minh Khai hiện nay chủ yếu là phế liệu nhựa có nguồn gốc từ nước ngoài, phế liệu nhập lậu vì chưa có tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Việc làm này của các cơ sở tái nhựa ở làng nghề Minh Khai là vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Hoạt động tái chế nhựa đã làm phát sinh rác thải với khối lượng 60-65 tấn/ngày không được thu gom, xử lý theo quy định, tập kết tại các khu đất trống dọc hai bên đường trong thôn.
Hiện tổng lượng chất thải rắn tồn đọng tại các khu đất trống dọc 2 bên đường trong làng nghề Minh Khai ước khoảng 30.000 tấn. Lượng nước thải phát sinh từ quá trình tái chế nhựa không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3 mỗi ngày đêm.
Các nguồn phát sinh, bụi thải đều không được thu gom xử lý nên không khí trong làng nghề luôn bốc mùi khét và ngột ngạt.
Trước tình trạng này, tỉnh Hưng Yên đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai các giải pháp khắc phục và xử lý.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Công an và Tổng cục Hải quan kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu nhựa, xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu phế liệu không đảm bảo quy chuẩn, ngăn chặn triệt để hành vi nhập lậu phế liệu nhựa không phù hợp vào Việt Nam.