Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài từ ngày 30/6 đến ngày 7/7 đã khiến hàng nghìn ha lúa mùa mới gieo cấy tại các tỉnh miền Bắc có nguy cơ bị chết và bị hạn.
Đặc biệt với khu vực Bắc Trung Bộ, tình hình mưa trong thời gian tới được dự báo sẽ không đủ “giải khát” cho khu vực này.
Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến ngày 7/7, nhiều địa phương tại các tỉnh Bắc Trung bộ đã có hàng nghìn ha cây trồng, đặc biệt là lúa mùa – hè thu mới gieo cấy có nguy cơ bị chết do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài hơn 1 tuần đầu tháng 7.
Cụ thể tại tỉnh Nghệ An, hiện đã có 375ha lúa bị chết do nắng hạn, đồng thời tiếp tục có khoảng 3.000ha lúa có nguy cơ tiếp tục bị chết cùng khoảng 22.000ha lúa có nguy cơ bị thiếu nước, đang phải tăng cường các giải pháp thủy lợi để bảo đảm cấp nước. Hai huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên là các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nắng hạn tại Nghệ An.
Trong đó, Nghi Lộc có khoảng 300ha cây trồng đã bị chết, nếu không kịp cung cấp đủ nước trong tuần này, sẽ có khoảng 1.500ha tiếp tục bị chết và khoảng 2.000ha chưa gieo cấy phải lùi thời gian xuống giống. Huyện Hưng Nguyên cũng có khoảng 75ha cây trồng các loại bị chết, nếu không kịp cung cấp đủ nước, sẽ có khoảng 1.500ha có nguy cơ bị chết trong thời gian tới. Diện tích chưa gieo cấy của huyện này còn khoảng 270ha, phải tiếp tục chờ đủ nước.
Tại Thanh Hóa, có khoảng 1.500ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó có 840ha lúa phải lùi thời vụ do không cấp đủ nước phục vụ gieo cấy và khoảng 9.000ha lúa mùa mới gieo cấy có nguy cơ bị thiếu nước vì ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài. Hà Tĩnh là tỉnh hiện đã cơ bản gieo cấy xong vụ HT, hiện có 650ha cây trồng bị thiếu nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước tiếp tục xảy ra nếu tiếp tục có nắng nóng…
Do ảnh hưởng của mưa lớn ở thượng nguồn, từ ngày 7/7, hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình đã mở cửa xả đáy để đón lũ. BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện đề nghị các tỉnh hạ du hệ thống sông Hồng bằng mọi biện pháp khẩn trương thông báo tới người dân, tổ chức có các hoạt động trên sông, ven sông khẩn trương di chuyển ngay các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, trạm bơm ven sông – cống… ở hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để đảm bảo an toàn về người và tài sản. |
Ngoài Bắc Trung bộ, một số tỉnh khu vực Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, việc triển khai SX vụ HT cũng bị đình trệ do ảnh hưởng của nắng hạn.
Cụ thể tỉnh Ninh Thuận có diện tích phải lùi thời điểm xuống giống theo kế hoạch khoảng 6.400ha (trong đó lúa 4.020ha, màu 2.420ha) do nguồn nước không đủ. Ngoài ra, đã có 760ha cây trồng đã được chuyển đổi cơ cấu…
Theo ghi nhận của PV NNVN, tối 7/7, tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã có mưa, giúp “giải nhiệt” một phần sau đợt nắng hạn khốc liệt tại đây.
Tuy nhiên theo Tổng cục Thủy lợi, trong tuần này (từ ngày 8 – 13/7), ở các tỉnh Trung bộ sẽ có mưa, tuy nhiên lượng mưa phổ biến chỉ từ 20 – 50mm (khu vực Bắc Trung bộ), từ 0 – 80mm (khu vực Nam Trung bộ). Với lượng mưa bổ sung như vậy, sẽ chưa đủ giải quyết dứt điểm tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trong khu vực, nguy cơ tiếp tục xảy ra ở vùng các công trình thủy lợi nhỏ và không có công trình thủy lợi phụ trách tưới.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng đã có cảnh báo trong thời gian tới, các tỉnh Bắc Trung bộ vẫn còn có khả năng xảy ra 1 – 2 đợt nắng nóng với thời gian và cường độ gay gắt tương đương với đợt nắng nóng vừa kết thúc. Vì vậy, nguy cơ nắng hạn ảnh hưởng nặng nề tới SX nông nghiệp đối với khu vực này sẽ còn phía trước.
Trong khi đó tại một số tỉnh, mực tích nước các hồ chứa đang ở mức rất thấp. Cụ thể, hiện Nghệ An có 25 hồ chứa nhỏ đã xuống mực nước chết; Thanh Hóa có 3 hồ khả năng không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước suốt vụ HT. Khu vực Nam Trung bộ có hồ chứa với dung tích trữ thấp gồm Ninh Thuận 42,8% (10 hồ nhỏ gần cạn nước); Bình Thuận 28% (2 hồ chứa nhỏ gần cạn nước)…
Trước ảnh hưởng của nắng hạn tới SX vụ mùa và HT tại các tỉnh miền Trung, ngày 6/7, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh Trung Bộ đề nghị tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung như: Tổng kiểm kê nguồn nước cung cấp cho SX nông nghiệp trên địa bàn, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi. Các diện tích cây trồng vụ HT, mùa 2018 chưa xuống giống, cần xem xét lùi thời vụ nếu không bảo đảm cung cấp nguồn nước chủ động.
Đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp, không đủ cung cấp cho toàn bộ nhu cầu dùng nước, cần ưu tiên lượng nước còn lại cung cấp cho sinh hoạt, gia súc và cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao. Triển khai thực hiện các giải pháp thủy lợi như đào ao, giếng, nạo vét hệ thống dẫn nước, lắp đặt các trạm bơm bơm dã chiến để cung cấp nước cho các khu vực đang bị thiếu nước… Báo cáo hàng tuần thông tin tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến SX và sinh hoạt về Tổng cục Thủy lợi. |