Mùi hôi phát ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (gọi tắt Bãi rác Đa Phước, do Cty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) làm chủ đầu tư) đã xuất hiện từ lâu… Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, mùi hôi càng trở nên dày đặc, nặng mùi và loang rộng cả vùng đô thị phía nam TPHCM. Mỗi lần lý giải mùi hôi ấy, lại một lần dư luận nghe được một nguyên nhân rất mới, với ngôn ngữ hết sức hoa mỹ và vĩ mô.
“Thời tiết cực đoan” và “biến đổi khí hậu”, làm Bãi rác Đa Phước… bốc mùi(?)
Tháng 6.2017, khi hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị “nhà giàu” Phú Mỹ Hưng ca thán vì mùi hôi, thì đại diện VWS cho rằng: “Vào các tháng mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, do tình trạng thời tiết cực đoan, xuất hiện các cơn mưa bất thường với lượng mưa tăng đột biến, nằm ngoài dự đoán của VWS. Điều này làm tăng lượng nước rỉ rác phát sinh…”. Do đó, Bãi rác Đa Phước… bốc mùi hôi.
VWS cam kết rất nhiều lần với các cơ quan chức năng từ TPHCM đến cơ quan trung ương, rằng sẽ thực hiện giải pháp khắc phục mùi hôi do “thời tiết cực đoan” nêu trên. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, mùi hôi… bốc ra từ Bãi rác Đa Phước vẫn… nặng mùi, hành hạ hàng trăm nghìn hộ dân khu nam TPHCM…
Và, tại buổi họp bàn về tình hình kinh tế – xã hội TPHCM tháng 6.2018, được UBND TP tổ chức ngày 3.7 vừa qua, ông Nguyễn Toàn Thắng – GĐ Sở TNMT TPHCM – đã lý giải cho “mùi hôi” từ Bãi rác Đa Phước rằng: “Không đợi đến phản ánh từ báo chí, mà ngành tài nguyên – môi trường có hệ thống quan trắc kết nối với trung tâm dự báo. Được biết năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các mùa, nên sẽ có mùi hôi”.
Hay năng lực cán bộ quá kém?
Vâng, Bãi rác Đa Phước do VWS làm chủ đầu tư bốc mùi hôi cả khu nam TPHCM, có nguyên nhân từ “thời tiết cực đoan” và “biến đổi khí hậu” (?!). Thế nhưng, bất kỳ cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc này không thể phủ nhận một điều: Chính sự “xuê xoa” trong quản lý và năng lực yếu kém của cơ quan chức năng đã là một tác nhân cho ra Bãi rác Đa Phước… Và, Bãi rác Đa Phước đã tán phát mùi hôi như hiện nay.
Yếu kém đầu tiên là của Sở TNMT, khi đại diện UBND TPHCM đứng ra ký kết hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn ngày 26.2.2006, với VWS. Tại hợp đồng này, Sở TNMT cam kết “Nếu trong tương lai, chất thải rắn được phân loại… sẽ đảm bảo loại chất thải cần thiết cho Nhà máy”. Từ đó, VWS mới chế biến phân compost, hay tái chế vật liệu đã thu gom, phân loại v.v…
Một chuyên gia về môi trường cho rằng: “Việc Sở TNMT chấp nhận điều khoản này, coi như nắm chắc bất lợi về mình. Còn VWS … khoẻ re. Bởi thực tế, việc phân rác tại nguồn, dường như rất lạ lẫm với người dân VN, thì lấy đâu ra chất thải hữu cơ đã phân loại để VWS chế biến phân compost? Chả trách suốt 8 năm qua, vin lý do TP không cung cấp được chất thải hữu cơ đã phân loại, nên VWS không sản xuất phân compost. Do đó, VWS cứ… tà tà mang rác đi chôn lấp, rồi nhận tiền, mà TPHCM không làm gì được VWS”.
Chưa hết, trong hợp đồng, VWS ra điều kiện phải thanh toán hằng tháng tiền xử lý rác bằng ít nhất 3.000 tấn/ngày chất thải được chấp nhận. Dù có giao không đủ số lượng rác trên, vẫn phải thanh toán đủ cho VWS số lượng 3.000 tấn/ngày. Hoàn toàn không quy định xử phạt nào đối với VWS, nếu doanh nghiệp này vi phạm không tiếp nhận rác…
Thậm chí, Sở TNMT còn hết sức dễ dãi, khi mạnh dạn “tạm ứng” trả trước “chi phí xử lý rác” cho VWS số tiền 9 triệu USD, để VWS có tiền “xây dựng một phần cơ sở hạ tầng”… Chính sự dễ dãi này, dẫn đến rắc rối của vụ “9 triệu USD chi cho VWS hợp pháp hay vi phạm luật pháp”, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm v.v… Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước kết luận việc chi 9 triệu USD – tiền kinh phí sự nghiệp môi trường – cho VWS (100% vốn nước ngoài), để thực hiện đầu tư dự án, là “chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.
Không phải ngẫu nhiên, dư luận lâu nay vẫn âm ỉ thông tin rằng, chính năng lực yếu kém của cán bộ, cơ quan chức năng ở TPHCM đã dẫn tới hệ quả phải gánh nhiều bất lợi trong giao kết hợp đồng, tại Dự án Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước.
Điều này càng rõ ràng, khi mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kết luận: Sở TNMT đã không lường trước sự khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn của TPHCM. Từ đó, cho thấy sự yếu kém trong đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng của Sở TNMT. Và, với UBND TPHCM, Thanh tra Chính phủ nhận định: UBND TP đã “thiếu sót trong việc tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, khi lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính…”.
Hơn bao giờ hết, dư luận đòi hỏi cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ “mùi hôi” từ Bãi rác Đa Phước phải nhìn nhận lại mình. Mùi hôi ấy chẳng phải do “thời tiết cực đoan” hay “biến đổi khí hậu”, mà thẳng thắn thấy rằng, chính sự yếu kém về năng lực, thiếu một tầm nhìn xa, trông rộng trong dự án môi trường tai tiếng này đã gây ra hệ quả về ô nhiễm môi trường rất khó khắc phục như đã và đang diễn ra hiện nay.