Nhiều công trình xây dựng không phép ngang nhiên mọc lên giữa trung tâm huyện, rất nhiều công trình kiên cố có, tạm bợ cũng có nhan nhản trên đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ mà ai khi nhìn vào cũng biết. Nhưng với chính quyền huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thì không biết, không hay và không quan tâm.
Nhan nhản các công trình sai phạm
Bất cứ một ai khi đặt chân lên đảo Phú Quốc đều dễ dàng nhận ra những công trình xây dựng lấn chiếm đất rừng, đặc biệt là khi lưu thông trên các con đường vừa được mở trong thời gian gần đây. Trên con đường từ cảng Bãi Vòng – Hàm Ninh về thị trấn Dương Đông, hai bên có rất nhiều nhà ở, hàng quán, nhà xưởng mọc lên vùi lấp và xen lẫn với cây rừng. Có những nơi, hàng chục căn nhà được cất liền nhau như một dãy phố, nhiều căn biệt thự hoành tráng được cây rừng bao quanh. Không cần hỏi cũng biết, đó là những công trình xây dựng trái phép, bởi không ai dám đặt bút ký cấp phép xây dựng công trình dân dụng trên đất rừng phòng hộ(!)
Không chỉ xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp, đất dự án, tại thị trấn Dương Đông – trung tâm của huyện đảo Phú Quốc, nhiều công trình có quy mô đồ sộ cũng ngang nhiên vi phạm các quy định về xây dựng. Một trong số đó là công trình khách sạn Seashells 9 tầng, thiết kế theo hình một con tàu khổng lồ, tọa lạc ngay bờ biển, sát thắng cảnh Dinh Cậu nổi tiếng, trước mặt nhiều cơ quan, ban ngành của huyện đảo Phú Quốc.
Được biết, khách sạn này trước đây có tên là Hương Biển, sau khi xây mới lại đổi tên thành Seashells, có quy mô 250 phòng, vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Điều lạ là, công trình này chỉ được cấp phép xây dựng 7 tầng, nhưng nó được xây dựng lên đến 9 tầng. Cuối năm 2017, Thanh tra Sở Xây dựng vào làm việc mới phát hiện nên yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ hai tầng vượt. Tuy nhiên, công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành tháo dỡ, trong khi chính quyền địa phương cũng “im hơi lặng tiếng”.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra liên ngành theo Quyết định 1581 của UBND tỉnh Kiên Giang, khi kiểm tra 570 công trình tại xã Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu, Dương Tơ, có 358 công trình vi phạm các quy định về xây dựng, như: xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng vi phạm quy hoạch.
Đoàn thanh tra đã kiểm tra, lập biên bản 76 công trình của các hộ dân lấn chiếm, tái lấn chiếm trên đất các dự án đã được phê duyệt, như: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Sunset Sanato; Khu biệt thự cao cấp Bà Kèo; Khu dân cư và đô thị Suối Lớn…
Đoàn ghi nhận 3.918 trường hợp tách thửa đất nông nghiệp từ 100m2 đến 11.000m2 tại các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Dương Tơ. Theo ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang, việc người dân tách thửa do chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế không vi phạm Luật Đất đai, tuy nhiên việc xây dựng tự phát trên các lô đất được tách thửa không theo quy hoạch đã phá vỡ quy hoạch trên địa bàn.
Ông Lê Quốc Anh nhận xét, hoạt động xây dựng và tách thửa đất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn huyện Phú Quốc ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và quản lý đất đai của địa phương chưa quan tâm đúng mức, bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý như buông lỏng, chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý không kiên quyết triệt để, đùn đẩy trách nhiệm… Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền, nên người dân cố tình vi phạm.
Phân lô nền trên đất nông nghiệp
Trong thời gian qua, có rất nhiều khu đất nông nghiệp ở huyện đảo được các tổ chức, cá nhân tự ý quy hoạch thành các khu dân cư, ngang nhiên mua bán, tách thửa, xây dựng. Các khu dân cư tự phát này dưới mác các công ty bất động sản nhưng do một số người đứng ra thuê cơ giới san ủi mặt bằng, xây vài con đường ngang, dọc trong khu đất, phân ra thành từng lô nền rồi rao bán. Việc bán đất cũng rất bát nháo như: quảng cáo trên các trang mạng xã hội, phát tờ rơi tại các khu đông dân cư, dán trên các cột điện, vách tường… Trong những ngày cao điểm của “cơn sốt đất” tại Phú Quốc, trước các khu dân cư tự phát này, từng nhóm người kê bàn ghế, che dù đứng ngồi, chèo kéo người qua lại như “hội chợ”.
Ngày 20-6, Đoàn thanh tra theo Quyết định 1061, ngày 7-5-2018, của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang “về kiểm tra xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, hành vi lấn chiếm đất và hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn huyện Phú Quốc” đã có báo cáo tiến độ qua hai tháng thực thi công vụ.
Theo đó, Đoàn đã thực hiện tại hai xã Cửa Dương và Dương Tơ, xác định 45 đối tượng vi phạm tách 2.363 thửa trên 75ha đất nông nghiệp. Có 31 trường hợp làm đường bê-tông trên đất nông nghiệp, với diện tích 58.016m2; 34 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, diện tích 3.000m2. Có nhiều trường hợp sai phạm nhưng không hợp tác với đoàn kiểm tra nên chưa xác định được diện tích vi phạm.
Ngoài ra, Đoàn thanh tra cũng đã phát hiện 15 trường hợp lấn chiếm đất suối, trong đó đã đo đạc 12 trường hợp với diện tích lấn chiếm 10.480m2. Đoàn đã làm việc với 14/29 vụ vi phạm phá rừng và lấn chiếm đất rừng, xác định diện tích thiệt hại là 53.509m2. Trên diện tích này đang tồn tại 765 hàng rào kẽm gai và trụ bê-tông, 1.062 bụi tiêu, một căn nhà tạm và nhiều loại cây ăn trái. Ngoài ra, Đoàn thanh tra còn phát hiện gần 50 vụ hủy hoại, chặt phá, lấn rừng, với diện tích hơn 60ha.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới, Đoàn thanh tra sẽ tiếp tục làm việc tại các xã còn lại của huyện Phú Quốc, theo phương thức UBND các xã chọn ra một số trường hợp có công trình vi phạm. Đoàn sẽ tiến hành thanh tra và xử lý, qua đó hướng dẫn cho cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã về phương pháp tiến hành, trình tự thủ tục, thẩm quyền xử lý từng trường hợp ở từng lĩnh vực. Khi Đoàn thanh tra tỉnh kết thúc làm việc, địa phương căn cứ vào đó xử lý tiếp theo các vụ việc còn lại.