Đề xuất giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử

Văn phòng Chính phủ đang soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu hoàn thiện nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính nhà nước; phát triển Chính phủ điện tử hướng tới các mục tiêu chương trình hành động của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy Chính phủ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, tạo ra các giá trị mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; tiếp tục nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Ảnh minh họa

Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tạo lập, quản lý, kiểm kê và chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, hoàn thành xây dựng các hệ thống nền tảng gồm: hệ thống kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh điện tử; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính. 10% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số hồ sơ đạt từ 30% trở lên; tăng tối thiểu 20% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; các thủ tục hành chính được chuẩn hóa, điện tử hóa, bảo đảm mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 70% vào năm 2020.

60% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương được kết nối, liên thông với nhau qua trục liên thông văn bản quốc gia, trên 50% phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các bộ, ngành, địa phương được kết nối, liên thông phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trực thuộc bộ, ngành, địa phương; 60% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh, 30% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 20% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Bảo đảm 50% báo cáo được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Rút ngắn từ 30-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua việc ứng dụng các giải pháp chính phủ không giấy tờ, văn phòng điện tử. Hoàn thành đánh giá và đề xuất giải pháp giảm chi phí đầu tư, triển khai, vận hành, quản trị hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tái cấu trúc và tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin. Tiếp tục nâng cao Chỉ số về Chính phủ điện tử, bao gồm ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phấn đấu đến hết năm 2020, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hợp quốc.

Giai đoạn 2021 – 2025: 100% Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử phải được xác thực điện tử; 40% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất…

5 giải pháp chủ yếu

Để hoàn thành mục tiêu trên, Văn phòng Chính phủ đề xuất 5 giải pháp chủ yếu gồm:

1- Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử;

2- Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới;

3- Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc nhằm chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, số hóa, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; đổi mới phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp;

4- Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử;

5- Thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi với mục tiêu, chỉ tiêu đo lường kết quả cụ thể, cơ chế theo dõi, giám sát, trách nhiệm giải trình, xử lý kịp thời vướng mắc và nguồn lực tài chính, con người để bảo đảm thực thi.

Trong đó, dự thảo nêu rõ, sẽ xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh, Kiến trúc Chính phủ điện tử toàn Chính phủ, cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 1.0), hoàn thành trong năm 2018 và liên tục cập nhật phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới. Xây dựng Hệ thống nền tảng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Hệ thống này, triển khai trong giai đoạn 2018-2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, thực hiện tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, đưa vào vận hành năm 2019, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020-2025…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: