Hiện tại, các tỉnh miền Bắc và Trung Việt Nam đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ.
Tuy nhiên, không chỉ có Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã từng trải qua những trận nắng nóng tương tự và thậm chí còn dữ dội hơn.
Dưới đây là những đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong lịch sử xảy ra trên thế giới:
– Tháng 7/1936: Khắp nước Mỹ có tới 997 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng kéo dài 10 ngày với nền nhiệt độ lên tới 49 độ C. Riêng thành phố New York có 76 người thiệt mạng.
Tại các khu nhà ổ chuột phía Đông của New York, người dân đã đào những bể bơi tạm thời rồi dùng nước từ vòi cứu hỏa dẫn vào bể để trẻ em giải nhiệt. Trong đợt nắng nóng này, nhiều ruộng đồng, mùa màng bị tàn phá nghiêm trọng do thiếu độ ẩm.
– Tháng 8/1948: Nhiệt độ ở thành phố New York lên tới 42 độ khiến 33 người thiệt mạng.
– Mùa hè năm 1988: Tại miền Tây nước Mỹ nhiệt độ tăng cao khiến 17.000 người thiệt mạng. Nắng nóng còn gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng.
– Tháng 6/1995: Đợt nắng nóng kéo dài trong 5 ngày được coi tồi tệ nhất lịch sử, tại Chicago, Mỹ đã có tới 750 người thiệt mạng, hơn 3.000 người phải nhập viện.
– Mùa hè 2003: Đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu cướp sinh mạng của 40.000 người, nhiều nhất là ở Pháp (14.802 người). Nhiệt độ ở miền bắc nước Pháp nóng kinh hoàng trong vòng 7 ngày, ở khoảng 40 độ C.
Nắng nóng cực đoan cũng gây hạn hán kéo dài, mất mùa ở nam châu Âu. Tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy, cháy rừng diễn ra trên diễn rộng, cùng với đó là hiện tượng tan băng gây lũ quét nghiêm trọng trên dãy Alps.
– Tháng 7/2006: Trận nắng nóng kỷ lục với nền nhiệt độ lên tới 47 độ C tại Bắc Mỹ mà đỉnh điểm là ở khu vực Nam Dakota (lên tới 54 độ C), làm hơn 220 người thiệt mạng.
– Năm 2007: Đợt nắng nóng rộng khắp châu Á kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 với nền nhiệt trung bình lên tới 40 độ C, trong đó Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc là các quốc gia chịu ảnh hưởng. Riêng tại Nhật Bản, ít nhất 900 người tử vong vì sốc nhiệt.
– Năm 2009: Vào tháng 1 nắng nóng 43 độ C liền trong vòng 3 ngày tại miền Đông Nam Australia khiến điều hòa chạy liên tục, mạng lưới điện quá tải, gây mất điện và cháy rừng. Nhiệt độ cao nhất ở Hopetoun, Victoria là 49 độ C, Melbourne 46 độ C.
Tồi tệ hơn nắng nóng dẫn đến cháy rừng ở Victoria và đám cháy đã lan rộng khiến 173 người tử vong. 10 tháng sau đó, vào tháng 11, đợt nắng nóng thứ hai lại xảy ra cùng khu vực này.
– Tháng 7/2010: Là một đất nước khí hậu ôn đới nhưng Nga đã phải hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử khi nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Ở một số nơi như Yashkul, Belogorsk mức nhiệt lên tới 44 độ C.
Nắng nóng khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng đồng thời gây ra hơn 50 vụ cháy làm thiệt hại hơn 86.000 ha rừng ở nước này.
– Mùa hè năm 2010: Nắng nóng khiến 100 người thiệt mạng ở Montreal, Canada.
– Mùa hè năm 2013: Sau 10 năm kể từ mùa hè năm 2003, châu Âu lại tiếp tục phải hứng chịu một đợt nắng nóng mới.
Một loạt quốc gia ôn đới như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha phải trải qua đợt nắng nóng khi nhiệt độ có lúc lên tới hơn 40 độ C. Đợt nắng nóng này tại châu Âu đã khiến hơn 70.000 người thiệt mạng.
– Tháng 5/2015: Nhiều thành phố ở Ấn Độ chìm trong nắng nóng nghiêm trọng với mức nhiệt ban ngày cao nhất chạm mốc 50 độ C. Đợt nắng nóng này khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và nhiều người phải nhập viện.
– Tháng 6/2015: Khoảng 1.200 người đã tử vong trong một đợt nắng nóng xảy ra ở miền Nam Pakistan. Gần 2/3 trong số này là người vô gia cư.
– Tháng 6-2016: Trong nhiều tuần, nắng nóng xuất hiện ở miền Bắc Ấn Độ với nhiệt độ ngoài trời đều vượt ngưỡng 40 độ C. Trong đó, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi là 44 độ C và ở thành phố Allahabad thuộc bang Uttar Pradesh đạt ngưỡng 48 độ C.
Tại thành phố Phalodi, thuộc bang sa mạc Rajasthan ghi nhận nhiệt độ lên tới 51 độ C khiến một số bệnh viện phải dành riêng các giường để điều trị cho những người bị sốc nhiệt.
Trong khi đó, ở miền Nam Ấn Độ nắng nóng cũng rất gay gắt, đặc biệt là tại các bang Telangana và Andhra Pradesh.
Đợt nắng nóng này đã khiến hơn 2.300 người thiệt mạng và phần lớn những người thiệt mạng là người dân lao động nghèo, những người vô gia cư. Thời tiết nắng nóng cũng tàn phá đồng ruộng, khiến hàng triệu nông dân lâm vào cảnh khó khăn.
– Tháng 4/2017: Nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày khiến ít nhất 37 người tử vong tại bang Telangana, phía Nam Ấn Độ. Nắng nóng cũng ghi nhận tại rất nhiều nơi ở các bang khác như Punjab, Haryana, Chandigarh…
Nhiệt độ ngoài trời lên đến 45 độ C tại một số khu vực. Nhiệt độ cao nhất trong ngày 19-4 lên đến 46,2 độ C tại Chandrapur, bang Maharashtra. Thủ đô New Delhi cũng ghi nhận mức nhiệt lên đến 44 độ C.
– Tháng 7/2017: Nắng nóng kỷ lục tại Bulgaria khiến 5 người thiệt mạng tại thủ đô Sofia. Ngoài thủ đô Sofia, tình trạng nắng nóng diễn ra phổ biến trên khắp đất nước Bulgaria với nhiệt độ ngoài trời ban ngày tại nhiều nơi vượt trên 40 độ C.
Tại thành phố Ruse ở Đông Bắc Bulgaria, nhiệt độ có lúc đạt mức kỷ lục 44 độ C. Nắng nóng khiến hàng trăm người tại Bulgaria gặp các vấn đề về sức khỏe phải cần tới sự trợ giúp y tế do sốc nhiệt.
– Tháng 5/2018: Nắng nóng kéo dài với nền nhiệt lên tới hơn 40 độ C liên tục trong nhiều ngày tại Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan khiến 180 người thiệt mạng.
Đợt nắng nóng này xảy ra trùng với thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Trong tháng lễ này, các tín đồ Hồi giáo không được phép ăn hay uống từ khi Mặt trời mọc đến khi Mặt trời lặn.
Trong khi đó, dân cư thành phố đông đúc và ít cây xanh này còn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất điện.
Người dân sống tại những khu vực đông dân có ít cơ hội ở những nơi tránh nóng hay có nước uống đảm bảo vệ sinh, do đó dễ trở thành nạn nhân của thời tiết khắc nghiệt.