10 ngày trở lại đây, tôm ở các đầm nuôi tại xã Hoàng Châu, huyện Hoàng Hóa (Thanh Hóa) bỗng nhiên chết hàng loạt khiến người nuôi vô cùng hoang mang lo lắng. Tôm chết không thể cứu vãn cũng đồng nghĩa với việc hàng chục hộ dân rơi vào thảm cảnh tay trắng và nợ nần chồng chất.
Lao đao vì tôm
Theo thống kê của xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá cho thấy: Toàn xã có 157 hộ nuôi trồng tôm sú với tổng diện tích ao nuôi tôm là 497,7ha, trong đó có 435,5ha khu vực ngoài đê. Theo thống kê tính đến ngày 3/7, tổng diện tích tôm chết từ ngày 22/6 đến nay là 90ha với tỷ lệ chết 70%, trong đó có 28 hộ thuộc các thôn 11, 12,13 bị mất trắng hoàn toàn.
Người nuôi tôm xã Hoằng Châu cho biết: Lúc đầu tôm chỉ chết rải rác, số lượng ít ở một số đầm nuôi. Đến ngày 23-6 số lượng tôm chết đã diễn ra trên 70% diện tích nuôi khu vực ngoài đê và đến thời điểm hiện tại hiện tượng tôm chết đã lây lan ra toàn diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã. Hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt khiến người nuôi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì số vốn đầu tư gần như mất trắng.
Nhìn những ao tôm sú được người nông dân thuộc các thôn của vùng trũng của xã Hoằng Châu được thả nuôi trong vòng 5 tháng trở lại đây đang vào kỳ thu hoạch bỗng dưng chết hàng loạt, anh Hoàng Ngọc Anh – một người dân nuôi tôm ở thôn 11, xã Hoằng Châu xót xa cho biết: “Gia đình tôi có 3,3ha nuôi tôm, đầu tư mất 25 triệu/ha từ nguồn vốn vay ngân hàng, sản lượng bình quân hàng năm trên 4 tạ/ha. Ước tính với giá thu mua như hiện nay từ 200.000- 250.000/kg thì gia đình tôi thu về trên dưới 80 triệu/ha. Với tình trạng tôm chết trắng như hiện nay thì coi như lỗ vốn hoàn toàn, bao nhiêu công sức, vốn liếng coi như mất không, tiền vay ngân hàng không biết lấy đâu trả”.
Không chỉ tôm ở khu vực trong đê chết mà khu vực nuôi tôm ở ngoài đê xã Hoằng Châu cũng có hiện tượng chết tương tự. Đáng nói số tôm chết đều đang trong mùa thu hoạch, với giá trị hiện tại khoảng 200 – 250 nghìn đồng/kg thì thiệt hại cho người nuôi tôm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Anh Lê Ngọc Hưng trú thôn 13, xã Hoằng Châu xót xa: “Với 12ha nuôi tôm gia đình tôi dự kiến thu khoảng gần một tỷ đồng nếu bán với giá như hiện nay. Nhưng mấy ngày trở lại đây, tôm chết bất thường khiến người nông dân chúng tôi vô cùng đau đớn. Tiền lãi chưa thu được đồng nào, kể cả năm tháng ròng rã chăm sóc cũng coi như mất không, chưa kể là số tiền vay ngân hàng cũng khó mà trả được”.
Được biết, để nuôi 1 ha tôm, người dân phải đầu tư từ 25- 30 triệu đồng, đa phần nguồn vốn đầu tư nuôi tôm được các hộ dân vay từ nguồn vốn của ngân hàng. Để nuôi tôm đến kỳ thu hoạch, người dân phải mất 6 tháng chăm sóc. Mỗi một năm, họ chỉ nuôi được một vụ. Sau khi thu hoạch xong tôm, họ bắt đầu cải tạo ao nuôi để chuẩn bị cho vụ khác.
Đi tìm nguyên nhân
Theo nhận định của một số người nuôi tôm cho rằng, nguyên nhân tôm chết có thể do vào giữa con nước trước khi mà thuỷ triều dâng cao đỉnh điểm, lượng nước sông và nước biển kết hợp tràn vào ao tôm khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Kết hợp với thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay khiến tôm chết hàng loạt.
Theo ghi nhận tại các cánh đồng có tôm chết, ngoài tôm ra còn xuất hiện cá, cua cũng chết theo. Hiện tại các chủ ao tôm đã xả nước vào đầy các ao nuôi để mong cứu được những con tôm, cua còn sót lại. Nhưng do thời tiết nắng nóng nên chỉ một thời gian ngắn, những con tôm, con cá chết nổi trắng ao đã bắt đầu bốc mùi hôi thối.
Ông Nguyễn Đình Lộc – Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu cho biết: Hiện tượng tôm sú của người dân trong xã chết bất thường xảy ra trong hai tuần trở lại đây. Lúc đầu tôm chết rải rác với số lượng ít ở một số ao nuôi, nhưng đến nay đã lan rộng ra 100% số ao nuôi phía ngoài đê của các hộ dân xã Hoằng Châu, số tôm bị chết chiếm hơn 90% trong các ao nuôi của hộ dân.
Sau khi nhận được thông báo của người dân, chính quyền xã đã báo cáo lên phòng chuyên môn của huyện. Ngày 23/6, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã lấy mẫu nước, mẫu tôm xét nghiệm và gửi Chi cục Thú y vùng III tìm nguyên nhân, đồng thời cử cán bộ phối hợp với UBND huyện Hoằng Hoá, xã Hoằng Châu theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh.
Trước tình trạng trên, chiều ngày 3/7, trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, ông Đặng Văn Hiệp – Chi Cục Phó Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân tôm nuôi tại xã Hoằng Châu chết là yếu tố môi trường, thời tiết nắng nóng và do mắc bệnh đốm trắng. Đây là bệnh nguy hiểm, dễ lan và gây thiệt hại lớn đối với ngành nuôi tôm.
Hiện Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Chi cục Thú y Thanh Hóa khẩn trương phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa, UBND xã Hoằng Châu tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch bệnh đốm trắng, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực nuôi tôm bị bệnh.
Đặc biệt khuyến cáo người nuôi không thả mới hoặc thả bổ sung động vật thủy sản mẫn cảm với bệnh đốm trắng khi chưa được phép của cơ quan chức năng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, người nuôi cần khử trùng ao nuôi sau 5 ngày mới xả ra môi trường, đóng chặt cống cấp và thoát nước, tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.