Nước ta rất giàu tiềm năng để phát triển điện gió. Tuy nhiên, đến nay, số dự án điện gió đi vào hoạt động thấp hơn rất nhiều so với số dự án đã đăng ký và chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng những khó khăn về cơ chế chính sách, việc sử dụng đất, đấu nối lưới điện, tiếp cận công nghệ mới… thì rào cản về tài chính khiến tiến độ và việc mở rộng dự án điện gió còn chậm.
Theo Quy hoạch điện quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, hướng tới năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3-2016, mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam được đặt ra là tổng công suất đạt 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Hiện nay, có khoảng 50 dự án điện gió được đăng ký đầu tư ở nước ta. Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), nguồn điện gió hiện phát triển rất chậm, với tổng công suất gần 200MW của 7 dự án đang hoạt động, còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020.
Các chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực năng lượng tái tạo trong và ngoài nước nhận định: Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, trong đó có nhiều ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế và phí, nhưng vẫn còn những rào cản nhất định về tài chính nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Cụ thể, do suất đầu tư lớn, thiếu vốn ưu đãi, giá thành sản xuất khá cao, lãi suất cho vay cao, thời gian thu hồi vốn lâu, cùng với giá điện chưa hợp lý là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà với dự án điện gió.
Theo bà Vũ Chi Mai, cán bộ cao cấp Chương trình Hỗ trợ Phát triển năng lượng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ): Dự án điện gió đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Đối với khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước, hiện nay năng lực thẩm định dự án về mặt tài chính của các ngân hàng trong nước còn hạn chế, trong khi tuổi thọ trung bình một dự án điện gió khoảng 20 năm, thời gian cho vay là 12 năm thì hạn mức này chưa được hấp dẫn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của dự án điện gió cao cũng khiến hiệu quả dự án thấp đi. Còn với việc tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế hạn chế cho vay do thời gian hoàn vốn lâu (vì giá hỗ trợ mua điện gió hiện nay chưa được hấp dẫn) nên tính khả thi của dự án không cao và cần phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Theo nghiên cứu của GIZ, mỗi MW điện gió tại Việt Nam cần chi phí đầu tư trung bình là 2 triệu USD, chi phí vận hành hằng năm là 35.000 USD. Với suất đầu tư lớn như vậy, giá mua điện hiện nay không khuyến khích được nhà đầu tư. Theo đại diện một số nhà đầu tư của dự án điện gió đang vận hành thì với giá bán điện hiện nay, dù tiết kiệm tối đa chi phí cũng khó thu hồi vốn.
Tìm hiểu thực tế tại những địa phương có tiềm năng điện gió lớn ở nước ta, như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định … chúng tôi thấy, các dự án điện gió đều triển khai chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là các nhà đầu tư gặp phải những rào cản về tài chính, như: Chi phí sản xuất, chi phí đầu tư cao do hầu hết các trang thiết bị điện gió đều phải nhập khẩu; chi phí vận hành bảo dưỡng cao do thị trường hậu mãi cho điện gió chưa phát triển; lãi suất cho vay trong nước cao, các nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Trong khi đó, giá bán điện gió theo quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam là 7,8 cent/kWh (được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VNĐ/USD). Giá mua điện gió này, dù đã được Chính phủ ưu tiên trợ giá, nhưng vẫn còn thấp so với giá thành đầu tư… Điều này dẫn đến các nhà đầu tư điện gió thực hiện dự án “cầm chừng”.
Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Năng lượng điện lực, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Là tỉnh phát triển điện gió sớm nhất cả nước và đã có sản lượng điện gió hòa lưới điện quốc gia, nhưng phát triển các dự án điện gió còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc về tài chính. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư khoảng 1.192 MW được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu và cấp giấy chứng nhận đầu tư; trong đó mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW; các dự án còn lại triển khai với tiến độ rất chậm”.
Theo các chuyên gia về năng lượng tái tạo, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tài chính, thu hút đầu tư vào dự án điện gió cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư và tổ chức tài chính. Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có những chính sách định hướng để các nhà đầu tư điện gió được tiếp cận và vay vốn từ những nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế với lãi suất thấp, đồng thời Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay hấp dẫn hơn dành cho các dự án năng lượng sạch; điều chỉnh tăng mức giá mua điện các dự án điện gió cho phù hợp, thời gian đáo hạn dài hơn… để thúc đẩy đầu tư các dự án này. Cần có quy hoạch phát triển điện gió quốc gia, trong đó quy định rõ ràng thủ tục đầu tư cho dự án. Mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tăng giá mua điện gió lên 8,77 cent/kWh với dự án trên bờ và dự án trên biển là 9,95 cent/kWh. Điều chỉnh này được thực hiện sẽ thu hút các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng cho dự án.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ những nút thắt về tài chính trong phát triển các dự án điện gió sẽ góp phần thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, từ đó cung ứng nguồn năng lượng sạch cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.