Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi vừa nhóm họp để bàn 2 vấn đề nóng bỏng: Chống nạn tham nhũng và thúc đẩy tự do thương mại.
Châu Phi đang đứng trước nhiều thách thức trong việc ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Ở châu Phi, bên cạnh các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh biên giới, nạn khủng bố, tình trạng di cư bất hợp pháp, đói nghèo, bệnh tật… thì tham nhũng cũng đã kìm hãm các nền kinh tế và tạo nguy cơ gây rối loạn nhiều quốc gia.
Để “hóa giải” vấn nạn này, trong 2 ngày 1-2/7, tại thủ đô Nouakchott của Mauritania, các nhà lãnh đạo 55 nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) đã họp hội nghị thượng đỉnh lần thứ 31, với chủ đề “Chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng: Con đường bền vững đối với sự chuyển đổi của châu Phi”.
Đây là dịp để các nhà lãnh đạo AU tập trung thảo luận các vấn đề về chống tham nhũng, tự do thương mại và giải quyết các cuộc khủng hoảng về nhân đạo và an ninh của châu lục.
Theo báo cáo của AU, hằng năm, tham nhũng khiến kinh tế châu Phi thiệt hại tới 148 tỷ USD, chiếm khoảng 25% GDP toàn châu lục. Tham nhũng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có liên quan đến các nguồn tài nguyên của châu Phi như dầu khí, mua sắm và tài chính công…
Chỉ riêng các giao dịch tài chính bất hợp pháp (IFF) cũng đã lấy đi từ 50 đến 80 tỷ USD mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm kiệt quệ tiềm năng phát triển của châu lục.
Để khắc phục nạn tham nhũng, những năm gần đây phần lớn các nước châu Phi đều có các luật và thể chế chống tham nhũng để đấu tranh, ngăn ngừa và hiệu quả tùy thuộc vào nỗ lực của từng quốc gia.
Ngoài vấn đề chống tham nhũng, hội nghị thượng đỉnh AU cũng kêu gọi thúc đẩy tự do thương mại tại châu lục này .
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, đại diện của 44/55 nước thành viên AU đã đạt được thỏa thuận thành lập khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA) nhằm tăng cường hội nhập khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn châu lục.
Theo thỏa thuận nói trên, các thành viên AU cam kết sẽ dỡ bỏ thuế đối với 90% hàng hóa, 10% còn lại sẽ từng bước được đưa ra xem xét. AfCFTA cũng được kỳ vọng góp phần tự do hóa thương mại dịch vụ, có thể bao gồm cả việc di cư tự do của người dân châu Phi và thiết lập đồng tiền chung.
Thỏa thuận AfCFTA đang trong quá trình chờ phê chuẩn của từng quốc gia thành viên. Nếu được 55 thành viên AU thông qua, khu vực AfCFTA hứa hẹn có tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, thị trường rộng lớn với dân số 1,2 tỷ người.
Vì thế, hội nghị thượng đỉnh lần này được xem là cơ hội để các nhà lãnh đạo AU tìm được tiếng nói chung nhằm đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển bền vững của toàn châu lục.