Thanh tra việc giao đất cho dự án phá rừng ở đồi Kumagai

Ngoài việc thanh tra, chủ tịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu dừng xem xét, đầu tư dự án ở đồi Kumagai và chỉ đạo Cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Ngày 1-7, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan đến loạt bài “Phá rừng, trộm cát công khai ở long hồ Đa Mi” mà Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài phản ảnh trong các ngày 30 và 31-5.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 22-6 Công an tỉnh Bình Thuận đã có Báo cáo số 1791/BC-CAT(PC49) về tình hình, kết quả xác minh phá rừng tại khu vực rừng có tên Kumagai theo thông tin của báo Pháp Luật TP.HCM.

Theo đó Công an Bình Thuận đề nghị khởi tố vụ án, điều tra, xác minh các đối tượng có liên quan do vụ việc đã có dấu hiệu hình sự. Từ đề nghị trên, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao cho UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo Công an huyện khởi tố vụ án, tiến hành điều tra theo luật định; chỉ đạo UBND xã Đa Mi phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ nguyên vẹn hiện trường là 10,38 m3 gỗ các loại để làm cơ sở xử lý.

Hiện trường vụ phá rừng trên đồi Kumagai

UBND tỉnh cũng thống nhất dừng xem xét việc xin đầu tư dự án tại khu vực Kumagai, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuấn Cát Lợi vì khu vực này đang xảy ra phá rừng trái pháp luật và qua kiểm tra thực tế vào ngày 4-6 của Chi cục Kiểm lâm xác định diện tích bị phá nằm trong diện tích đã được thống nhất đề nghị đưa vào quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Thanh tra tỉnh làm rõ các vấn đề có liên quan đến việc xem xét giải quyết dự án đầu tư nêu trên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuấn Cát Lợi. Ngoài ra yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục thực hiện các nội dung khác theo chỉ đạo ngày 18-6 của UBND tỉnh về việc xử lý vụ việc phá rừng tại khu vực Kumagai.

Được biết ngày 18-6, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản liên quan đến vụ việc này.

Theo đó yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi, UBND xã Đa Mi, UBND xã Lộc Nam (Bảo Lâm, Lâm Đồng) nhanh chóng xác minh đối tượng vi phạm, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Đối với các vị trí đã có cơ sở xác định được đối tượng vi phạm, tập trung hoàn thiện hồ sơ, tham mưu ngay cho cấp có thẩm quyền xử lý.

Kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân công phụ trách địa bàn xã Đa Mi đã thiếu chủ động tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được phân công; có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục ngay những thiếu sót; đồng thời, xử lý kỷ luật trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ việc phá rừng.

Phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức lực lượng, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ hiện trường và khu vực rừng giáp ranh với xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái diễn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tại khu vực này nói riêng và vùng giáp ranh giữa 2 huyện nói chung. Đối với thông tin liên quan đến tiêu cực yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo Công an huyện khẩn trương có biện pháp nghiệp vụ đấu tranh làm rõ để xử lý.


Địa điểm khai thác cát trái phép tại lòng hồ thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi

Như đã đưa, ngoài việc Công ty Tuấn Cát Lợi bị tố cáo xin dự án trồng cây ăn quả và phá hơn 5 ha rừng; Công ty này còn lợi dụng được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho nạo vét trên diện tích 6 ha địa phận tỉnh Lâm Đồng để khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bằng thủ đoạn “xin quá cảnh”.

Việc khai thác này diễn ra công khai gần hai năm, hút cát trong lòng hồ thủy điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình quốc gia; lập xưởng đóng tàu tại chỗ nhưng không một cơ quan có trách nhiệm nào ngăn chặn.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM có loạt bài phản ánh, UBND tỉnh Bình Thuận đến nay đã có ít nhất 4 văn bản chỉ đạo làm rõ. Đối với việc khai thác cát trái phép, Sở TN&MT đã thành lập đoàn thanh tra và xác định phản ảnh của Pháp Luật TP.HCM là chính xác. Đoàn thanh tra đã yêu cầu công ty này tháo dỡ, di chuyển nhà tiền chế, hai tàu hút cát, xà lan ra khỏi diện tích đất khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận trước ngày 15-7.

Ngoài ra, yêu cầu Công ty CP thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi kiểm điểm tập thể lãnh đạo và chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng diện tích đất đúng theo mục đích được giao tại khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi trong thời gian tới, tránh tình trạng lợi dụng việc nạo vét lòng hồ, khai thác khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng đến công trình quốc gia.

Sở cũng kiến nghị tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND huyện, trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, chủ tịch UBND xã Đa Mi và các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung giải quyết Đơn quá cảnh của Công ty Tuấn Cát Lợi chưa dứt điểm, kéo dài.

Việc này dẫn tới công ty thực hiện hàng loạt hoạt động làm nhà tiền chế, đóng tàu, tập kết xà lan, tàu hút cát, xe múc, tập kết cát trái phép tại vị trí trên, dẫn đến khó kiểm soát việc công ty lợi dụng khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ.
Giao Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương xử lý tịch thu khối lượng hơn 100 m3 cát tập kết không có nguồn gốc hợp pháp tại khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi.